Nhật cần 40 năm giải quyết sự cố Fukushima

Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vừa công bố lộ trình mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, theo đó họ sẽ cố gắng phá hủy 4 lò phản ứng gặp sự cố tại nhà máy này trong vòng 30 đến 40 năm tới.

Lộ trình này bao gồm các biện pháp sẽ được tiến hành sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố Nhật Bản đã thành công trong ngừng hoạt động nguội các lò phản ứng này.



Nhà máy Fukushima 1 bị hư hỏng nặng sau trận động đất, sóng thần hôm 11/3. Ảnh: Internet


Theo lộ trình trên, TEPCO – đơn vị điều hành nhà máy Fukushima I – sẽ bắt đầu dỡ bỏ các thanh nhiên liệu hạt nhân tại các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng của các lò phản ứng từ số 1 cho đến số 4 trong vòng 2 năm tới và dỡ bỏ các nhiên liệu hạt nhân đã bị nóng chảy ở các lò phản ứng từ số 1 đến số 3 trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, quá trình dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân phụ thuộc rất lớn vào tiến độ phát triển các công nghệ có thể ứng dụng được.

Quá trình dỡ bỏ các thanh nhiên liệu tại bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ bắt đầu từ lò phản ứng số 4 vào năm 2013 và sau đó sẽ chuyển sang lò phản ứng số 3 vào cuối năm 2014. Tất cả các nhiên liệu bên trong bể chứa của 2 lò phản ứng này sẽ được dỡ bỏ trong khoảng 10 năm. Sở dĩ TEPCO phải ưu tiên cho lò phản ứng số 4 vì trong bể chứa nhiên liệu của lò phản ứng này có chứa một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân và bức tường bên ngoài của tòa nhà chứa lò phản ứng và bể chứa đã bị hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ khí hydro hồi tháng 3/2011.

Phát biểu kết thúc cuộc họp giữa chính phủ và TEPCO về lộ trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano cho biết, ông muốn TEPCO sẽ thực hiện các công việc theo kế hoạch càng nhiều, càng tốt để làm dịu các quan ngại của những người chưa thể về nhà do sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện này.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, Bộ trưởng Edano nói: “Tôi không bác bỏ khả năng rằng quá trình dỡ bỏ các lò phản ứng này sẽ diễn ra không như chúng ta mong đợi… nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có ý chí mạnh mẽ và cơ hội tốt để thực hiện”.

Các quan chức chính phủ và TEPCO đều thừa nhận rằng thách thức lớn nhất trong toàn bộ quá trình này đó là dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân từ các lò phản ứng. Người ta cho rằng một phần trong số các thanh nhiên liệu ở 4 lò phản ứng này đã nóng chảy, chảy qua đáy của các thùng áp lực và đã rơi xuống thùng chứa của các lò phản ứng.

Để chuẩn bị cho dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân, TEPCO cần phải giảm nồng độ phóng xạ trong tòa nhà có chứa lò phản ứng và phải sửa chữa các thùng chứa đã bị hư hại của các lò phản ứng này để có thể đổ đầy nước để ngăn phóng xạ phát tán.

Phó Chủ tịch Điều hành của TEPCO, Zengo Aizawa, cho biết việc lấy các mảnh vỡ nhiên liệu hạt nhân ra ngoài sẽ thực sự là công việc khó khăn. Ông nói: “Sẽ cực kỳ khó để phát hiện nước đang rò rỉ từ phần nào của các thùng chứa lò phản ứng ở một địa điểm có nồng độ phóng xạ cao… Công nghệ rôbốt là rất cần thiết để lấy nhiên liệu hạt nhân ra và cần làm gì để xử lý đống nhiên liệu này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phát triển công nghệ trong tương lai”.

TEPCO sẽ tiến hành thăm dò bên trong các thùng chứa lò phản ứng vào khoảng nửa cuối của tài khóa 2017 và thăm dò lõi của các lò phản ứng vào khoảng tài khóa 2020. Sau đó, họ sẽ hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra bên trong các lò phản ứng này.

Trong thời gian từ nay đến khi khởi động quá trình dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân, TEPCO sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ mát các lò phản ứng này. Để ngăn không cho nước ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima I rò rỉ ra Thái Bình Dương, TEPCO sẽ xây dựng một tường chắn ở bờ biển vào tài khóa 2014.

Do quá trình này sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho TEPCO nên Bộ trưởng Môi trường kiêm Quốc vụ khanh phụ trách xử lý thảm họa hạt nhân Goshi Hosono cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho TEPCO trong nỗ lực nhằm phá hủy các lò phản ứng này.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Giám sát phóng xạ ở Thái Bình Dương sau thảm họa Fukushima
Giám sát phóng xạ ở Thái Bình Dương sau thảm họa Fukushima

Ngày 14/12, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thực hiện dự án hợp tác công nghệ với 21 nước thành viên và ba nước không phải thành viên IAEA để giám sát chất phóng xạ trong môi trường Thái Bình Dương sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN