Nhìn vào tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Indonesia thời gian qua, có thể nói quãng thời gian 5 năm tới chắc chắn sẽ không phải là “tuần trăng mật” khi Tổng thống Jokowi phải đối mặt với hàng loạt rắc rối đang thử thách khả năng của nhà lãnh đạo này. Hơn 260 triệu người dân đang đổ dồn sự chú ý vào chủ nhân Cung điện Merdeka (Phủ tổng thống Indonesia), mong mỏi, chờ đợi những lời hứa tranh cử - không ít trong số đó còn treo từ 4 năm trước - được thực thi.
Việc đầu tiên mà tân Tổng thống sẽ phải làm ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức là chính thức công bố thành phần nội các - một “nội các làm việc” như ông Jokowi từng đặt tên trong nhiệm kỳ đầu. Dư luận sẽ “săm soi” rất kỹ và chính phản ứng này - cả tích cực lẫn tiêu cực - sẽ là cả một thách thức cần chuẩn bị để vượt qua. Đó phải là những bộ trưởng, tư lệnh ngành “tay sạch” thay vì những nhân vật bị dư luận đồn đoán có dính dáng đến tham nhũng hay đại diện cho nhóm quyền lợi bất minh.
Điều quan trọng là phải đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất của những “người cũ”, “người mới”, và đây cũng là điều mà Tổng thống Jokowi - vốn được biết đến qua hình ảnh một nhà lãnh đạo chăm chỉ, tham công tiếc việc - đòi hỏi hàng đầu, bên cạnh sự tận tâm cống hiến. Nếu không có sự đoàn kết đó, người “nhạc trưởng” này sẽ chẳng bao giờ thực hiện được những lời hứa quan trọng của mình.
Một trong những cam kết tranh cử của ông Jokowi hồi năm 2014 là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hằng năm đạt 7%, trong khi cuối cùng chỉ đạt 5% - kết quả không quá tệ - song với nhiều người khoảng cách 2% này là một sự thất bại và thất hứa. Theo dự báo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Indonesia thậm chí còn xuống dưới mức 5% trong năm nay. Do vậy, lời hứa trên nhiều khả năng lại bị “treo” đến hết nhiệm kỳ trước những “cơn gió chướng” toàn cầu như bóng ma suy thoái, bất ổn kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá cả hàng hóa giảm.
Bên cạnh tăng trường kinh tế trì trệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang gây thất vọng, bất chấp chương trình cắt giảm thuế lớn, cải cách hàng loạt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mở cửa hơn 50 lĩnh vực quan trọng cho đầu tư nước ngoài và cả việc mời cựu Giám đốc điều hành WB, bà Sri Mulyani Indrawati về “nắm cương” ở Bộ Tài chính.
Ngoài ra, còn rất nhiều cam kết mới nhưng không kém phần tham vọng. Ví dụ, mới đây nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ cải thiện giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực, hai yếu tố được xác định là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh kế hoạch dời đô và cải tạo cố đô đầy tốn kém, ông cũng cam kết đầu tư hơn 400 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Điều đó không có gì ngạc nhiên vì đầu tư hạ tầng là lĩnh vực mà ông Jokowi được đánh giá cao, qua đó giành chiến thắng liên nhiệm. Chỉ có điều vốn tài trợ cho các dự án quy mô lớn này là cả một vấn đề lớn.
Theo thống kê, chỉ 1/5 vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là từ khu vực tư nhân và phần còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước (SOE), khiến các cơ sở này phải gồng mình gánh nợ. Trong khi đó, một báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức độ hiện diện của các SOE ở Indonesia rộng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Đây thực sự cũng là một vấn đề lớn đối với Indonesia, vì các thực thể này nắm giữ quá nhiều quyền lực và gần như “không thể chạm tới”, bất chấp nạn tham nhũng cố hữu và những rủi ro tài chính gây ra cho chính phủ.
Bất ổn xã hội và an ninh cũng là hai trong số các nguyên nhân gây đau đầu gần đây cho Tổng thống Jokowi. Cuối tháng Chín vừa qua, làn sóng biểu tình của sinh viên nổ ra trên toàn quốc nhằm phản đối điều luật mới về Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) - cơ quan thực thi pháp luật được tôn trọng nhất ở Indonesia - và dự luật hình sự bị cho là phá hoại các quyền tự do dân chủ và ngăn chặn các nỗ lực chống tham nhũng. Chính phủ ủng hộ cả hai luật này, song trước sức ép của công luận, Tổng thống Jokowi đã yêu cầu quốc hội hoãn thông qua dự luật hình sự và cho biết có thể xem xét hủy bỏ điều luật về KPK.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp cảnh báo rằng một động thái như vậy là hành động đối đầu trực diện với quốc hội. Các đảng chính trị thuộc liên minh cầm quyền – trong đó có nhiều thành viên chủ chốt bị KPK “sờ gáy” trong những năm qua - cũng bác bỏ ý tưởng này với lý do việc rút luật về KPK có thể làm suy yếu uy tín của chính phủ và không thể chấm dứt được các cuộc biểu tình. Ông trùm truyền thông Surya Paloh, Chủ tịch đảng Dân chủ Quốc gia (Nasdem), thậm chí còn đe dọa “luận tội” Tổng thống.
Trước sức ép từ nhiều phía, đây sẽ là quyết định “cân não” của Tổng thống Jokowi. Nếu bãi bỏ luật về KPK và đứng về phía phần lớn cử tri, ông sẽ phải đối đầu với quốc hội và các đảng trong liên minh cầm quyền. Điều này có thể khiến ông gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình của mình và khó tìm được sự đoàn kết nội bộ để lãnh đạo đất nước. Trường hợp ngược lại, có thể những cuộc biểu tình sẽ kéo dài.
Trong khi đó, tại Papua, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã khiến hàng chục người thiệt mạng và gần 20.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những cuộc tụ tập nhỏ lẻ ban đầu để phản đối hành vi phân biệt chủng tộc đối với các sinh viên người Papua, đã làm bùng phát tâm lý bất bình kìm nén, âm ỉ trong lòng người dân bản địa, từ đó làm sống lại phong trào đòi độc lập cho miền đất cực Đông vốn có văn hóa khác biệt với các phần còn lại của Indonesia này. Nếu không có những chính sách hiệu quả, thực chất và nhanh chóng nhằm lấy lại lòng tin của người dân Papua, vùng đất này sẽ tiếp tục nóng, đe dọa tới an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của “quốc gia vạn đảo”.
Dư luận cho rằng giữa những “bộn bề” đó, chắc chắn Tổng thống Jokowi sẽ chẳng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay đầu tư cho các vấn đề đối ngoại. Nếu mặt trận kinh tế cần có những chính sách cải cách mạnh mẽ, quyết đoán và thực chất hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu còn dang dở, Tổng thống Joko Widodo sẽ phải hết sức khéo léo lèo lái vượt qua các “bãi mìn” chính trị, “bình định” được nội bộ, cũng như tập hợp và thu hút sự tham gia, ủng hộ của các lực lượng xã hội vì lợi ích chung.