Sau hàng chục năm dành phần lớn thời gian cho công việc xã hội, những người lớn tuổi giờ đang thực hiện ước mơ trở thành "nghệ sĩ nhiếp ảnh" mà thời trẻ họ không có thời giờ hoặc điều kiện tài chính để theo đuổi.
Sẵn sàng đầu tư cho đam mê
Với hành trang lỉnh kỉnh đủ thứ gồm ống kính, chân máy, thiết bị hắt sáng và tản sáng..., ông Yang Dezhou (71 tuổi) đã sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc các quý bà, quý cô đang múa hát với những chiếc khăn lụa tung bay phấp phới ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc. Đội quân “phó nháy tóc bạc” đang ngày càng phát triển về số thành viên ở Trung Quốc thời gian gần đây và ông Yang là lính mới gia nhập đội quân này.
Năm 2015, người đàn ông nghỉ hưu này quyết định hồi sinh giấc mơ thời trai trẻ của mình là trở thành một nhiếp ảnh gia. Ông Yang tâm sự thú vui chụp ảnh đã giúp ông ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp và là một cách tuyệt vời để tận dụng thời gian rảnh rỗi lúc nghỉ hưu. Đây cũng được coi là một phần hoạt động xã hội, qua đó đó giúp ông có cơ hội giao lưu với bạn bè cũng như rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe.
Ông Yang đã chi gần 60.000 NDT (8.770 USD) từ tiền lương hưu của mình để mua hai máy ảnh và ba ống kính, chưa kể chi phí tốn kém tham gia các khóa học học biên tập ảnh và các kỹ năng khác liên quan đến ảnh. "Tôi đã làm quen được với nhiều người có cùng sở thích thông qua các lớp dạy kỹ năng nhiếp ảnh và mạnh xã hội", ông Yang chia sẻ.
Ông đã tham gia ba nhóm QQ (phần mềm nhắn tin nhanh do công ty Tencent của Trung Quốc phát triển) và bốn nhóm Wechat (ứng dụng di động cho phép người sử dụng trò chuyện bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên điện thoại thông minh do Tencent phát triển) của các lớp nhiếp ảnh tại trường cao đẳng cộng đồng dành cho người cao tuổi. Ông Yang thừa nhận chụp ảnh là một thú vui tốn kém nhưng rất đáng giá. Theo ông Yang, có hơn 400 người tham gia trong một nhóm như vậy.
Theo số liệu công bố mới đây của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc), cứ 20 người cao tuổi sử dụng các nền tảng mua sắm trực truyến thì có một người sở hữu cây gậy selfie (hay còn gọi là gậy tự sướng). Những nhiếp ảnh gia lớn tuổi này đã chi 4.300 NDT/người (khoảng 630 USD/người) cho máy ảnh trong năm 2017, tăng 42% so với năm trước đó.
Đam mê không bao giờ là quá muộn
Cứ thứ 4 hàng tuần, bà Wang Yu (65 tuổi), một trong số những người bị cuốn vào trào lưu nhiếp ảnh, lại tham gia một lớp biên tập ảnh tại một trường cao đẳng cộng đồng ở Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc). "Khi đưa ảnh vào xử lý trong Photoshop, việc đầu tiên phải làm đó là ta phải nhớ sử dụng ngay cụm phím CTRL + J để sao chép. Lưu ý, J, giống như Jack trong bài poker vậy", giáo viên của bà Wang nói khi hướng dẫn các học viên cách chỉnh sửa ảnh trên máy tính.
Học viên Wang luôn ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp, cẩn thận ghi chép vào sổ tay những chỉ dẫn quan trọng của giáo viên. Bà tâm sự những người lớn tuổi giống như bà có trí nhớ kém, do đó việc ghi nhớ/học các công nghệ mới sẽ chậm chạp hơn, nhưng bà sẽ luyện tập chăm chỉ cho đến khi thực hành thuần thục thì thôi.
Khi mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng cải thiện và chi tiêu của người cao tuổi tăng lên, các lớp nhiếp ảnh dành cho người lớn tuổi tại các trường đại học và cao đẳng cộng đồng đã “mọc lên như nấm” ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trường đại học đầu tiên dành cho người cao tuổi ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã thu hút hơn 10.000 công dân lớn tuổi hồi mùa Xuân năm ngoái. Nhiếp ảnh là một trong ba lựa chọn hàng đầu của các học viên.
Hiện nay, trường Đại học An Huy đã mở bốn lớp dạy nhiếp ảnh cho người lớn tuổi, mỗi lớp có 45 học viên. Độ tuổi của các học viên thường vào khoảng trên 50 đến 80 tuổi, với độ tuổi trung bình là 65 tuổi. Các công viên chức nghỉ hưu, nhân viên (ở các doanh nghiệp) và giáo viên là những người tích cực nhất trong các lớp học nhiếp ảnh tại các trường đại học, trong khi những học viên của các lớp nhiếp ảnh ở Cao đẳng cộng đồng có trình độ học vấn thấp hơn, chủ yếu là tốt nghiệp trung học.
Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có hơn 241 triệu người ở độ tuổi trên 60 tính đến cuối năm 2017, chiếm 17,3% tổng dân số. Ước tính, người cao tuổi của nước này sẽ chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2030.
Những “phó nháy nghiệp dư” này dường như đang thể hiện sự nhiệt tình quá mức trong việc “níu giữ” cuộc sống trẻ trung. Họ không ngần ngại mang vác các thiết bị nặng trong những chuyến dã ngoại để tác nghiệp ảnh và thường thức tới khuya để xử lý công việc.
Luo Shirong, nhân viên một cửa hàng bán thiết bị chụp ảnh ở Hợp Phì, cho biết nhiều người cao tuổi đã thay đổi rất nhiều sau khi coi chụp ảnh là sở thích, thú vui của mình và chia sẻ thêm: "Họ nói với tôi rằng họ đã tìm ra cách để nhận ra giá trị cuộc sống". Ttheo Alibaba, người lớn tuổi ở Thâm Quyến và Quảng Đông là những khách hàng mua sắm tích cực nhất trên các cửa hàng máy ảnh trực tuyến.
Ông Zhang Zhixian (72 tuổi), Chủ tịch Hội nhiếp ảnh lớn tuổi Thâm Quyến, cho biết: "Nhiều người cao tuổi đã tạm biệt bạn bè cũ và hàng xóm của mình để theo con cái hoặc gia đình chuyển đến một thành phố mới. Vì vậy, nỗi cô đơn trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với họ". Nhưng nhiếp ảnh đã giúp họ có được tiếng nói chung với những người khác.
Được thành lập năm 2006, Hội nhiếp ảnh của ông Zhang hiện có hơn 1.400 thành viên. Mỗi tháng, các thành viên sẽ chụp ảnh miễn phí cho người cao tuổi ở địa phương. "Chúng tôi tìm thấy niềm vui trong nhiếp ảnh, và tiếp tục truyền lửa cho những người khác", ông Zhang tâm sự.