Trong báo cáo phân tích mang tên "Forest 500", Global Canopy đã tiến hành đánh giá 350 công ty chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc sản xuất, tiêu thụ hoặc kinh doanh các sản phẩm thúc đẩy nạn phá rừng, cùng 150 ngân hàng, công ty đầu tư và quỹ hưu trí lớn nhất trên toàn cầu cung cấp tài chính cho những doanh nghiệp này. Trong số này, có tới 1/3 số công ty hoàn toàn không có cam kết bảo vệ rừng và 72% chỉ đề cập đến một phần các sản phẩm liên quan đến phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, kể cả những công ty có cam kết bảo vệ rừng với từng sản phẩm cụ thể như đậu tương, thịt bò và da, cũng không đưa ra được bằng chứng cho thấy họ đã thực hiện các cam kết đó.
Giám đốc điều hành Global Canopy, Niki Mardas nhận định có quá ít công ty nhận thức được những nguy cơ đối với khí hậu do phá rừng, khi chỉ có vài doanh nghiệp đưa thông tin về chuỗi cung ứng của họ trong báo cáo. Cargill, Colgate-Palmolive, Nestle Corp., Unilever và PepsiCo nằm trong số 15 công ty có xếp hạng cao nhất, trong khi khoảng 60 công ty, chủ yếu tới từ Trung Quốc, Brazil và Argentina có điểm số đánh giá thấp nhất. Tương tự, các doanh nghiệp tài chính cũng không đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề bảo vệ rừng, khi cấp hơn 5.500 tỷ USD/năm cho các công ty nằm trong chuỗi cung ứng liên quan đến nạn phá rừng. Cụ thể, có 93/150 tổ chức được phân tích không có quy định về hạn chế phá rừng khi đầu tư, hoặc cho các công ty cung ứng sản phẩm có liên quan đến phá rừng vay vốn, và chưa tới 24 ngân hàng hoặc doanh nghiệp đầu tư có các chính sách về vấn nạn phá rừng đã công bố các tiến triển liên quan đến vấn đề này.
Cựu Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về khí hậu We Mean Business nhấn mạnh việc chấm dứt phá rừng làm nông nghiệp để giảm một nửa lượng khí thải và khôi phục đa dạng sinh học vào năm 2030 không phải là một lựa chọn mà là biện pháp cần thiết đối với những công ty đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa về khí thải. Theo chuyên gia này, đây đều là những biện pháp đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.
Phá rừng để phục vụ sản xuất các loại hàng hóa như dầu cọ và đậu nành, chăn nuôi gia súc và khai thác gỗ, đang là mối đe dọa đối với khí hậu, cộng đồng và sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất. Báo cáo chỉ ra rằng nạn phá rừng nhiệt đới gây ra lượng phát thải khí CO2 chỉ sau lượng phát thải của Trung Quốc và Mỹ. Ở Brazil, tỷ lệ phá rừng đã tăng 22% vào năm 2021, mức cao nhất trong 15 năm qua, nguyên nhân chủ yếu do các ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp. Theo các dữ liệu thu được qua vệ tinh, trong hai thập kỷ qua qua, lưu vực sông Amazon đã mất khoảng 10.000 km m2 rừng mỗi năm.
Theo báo cáo, những công ty sản xuất và bán đậu tương, thịt bò và dầu cọ chỉ chiếm hơn một nửa trong danh sách Forest 500, với một nửa là các nhà sản xuất, bán lẻ, chuỗi cung ứng thực phẩm ăn nhanh và nửa còn lại các công ty nông nghiệp. Nhiều công ty trong số này là các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, khiến họ nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định người tiêu dùng ở châu Âu đang ngày càng có xu hướng không muốn mua những sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng hoặc làm suy thoái rừng. Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng đã ban hành các điều luật và quy định nhằm kiềm chế nạn phá rừng. Tại Anh, kể từ tháng 11/2021, các công ty được yêu cầu phải đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không liên quan đến hoạt động phá rừng.