Theo đó, trong đơn kiện do một số hạt ở bang California và thành phố Oakland đệ trình, các hãng J&J, Teva, Endo và Allergan bị cáo buộc hạ thấp mối nguy hiểm của việc lạm dụng thuốc giảm đau opioid để tăng doanh số bán hàng. Đơn kiện đòi các hãng này bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD.
Các nguyên đơn gồm các hạt Santa Clara, Los Angeles và Orange cùng thành phố Oakland, đại diện 15 triệu người tiêu dùng - tương đương 40% dân số ở bang đông dân nhất nước Mỹ. Ngoài yêu cầu bồi thường thiệt hại, các nguyên đơn cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp ngăn chặn các hành vi quảng cáo thuốc không đúng sự thật trong tương lai.
Luật sư đại diện hạt Santa Clara, ông James Williams, cho rằng các hãng dược đã ưu tiên lợi nhuận hơn sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, đánh giá thấp những mối nguy hiểm thực sự của opioid. Chỉ riêng năm 2014, lợi nhuận thu được từ việc bán thuốc giảm đau gây nghiện opioid là 11 tỷ USD.
Cho đến nay, các tòa án Mỹ đã nhận được hơn 3.000 đơn kiện liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau. Năm 2019, một thẩm phán bang Oklahoma đã ra phán quyết yêu cầu J&J nộp khoản phạt 465 triệu USD vì đã che giấu các nguy cơ của việc sử dụng thuốc giảm đau.
Mỹ đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau trong những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphine.
Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch Dệnh của Mỹ (CDC), gần 500.000 người đã tử vong do sử dụng quá liều thuốc giảm đau opioid trong hơn 2 thập kỷ qua. Ngoài ra, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do lạm dụng thuốc này.