Tuần này, Fed đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 5,25% đến 5,5%, cao nhất trong 22 năm. Nhưng một loạt các dữ liệu lạc quan đã làm tăng khả năng ngân hàng trung ương này có thể “hạ cánh mềm” - giảm lạm phát thông qua chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết dữ liệu này đã củng cố niềm tin của ông rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế. Goldman tuần trước đã giảm xác suất suy thoái xuống 20%, giảm 5 điểm phần trăm. Ông Hatzius cho biết: “Chúng tôi tin rằng Fed đang trên đà hạ cánh mềm”.
Cục Phân tích Kinh tế Mỹ ngày 28/7 báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Fed - đã hạ nhiệt trong tháng 6 từ mức 4,6% trong tháng 5 xuống 4,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Ngoài ra, chỉ số chi phí nhân công (ECI), vốn được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ như một chỉ số tăng trưởng tiền lương, đã tăng 1% trong quý hai, giảm từ mức 1,2% trong ba tháng đầu năm.
Mặc dù tăng trưởng tiền lương khiến các nhà kinh tế lo ngại vì nó góp phần gây ra lạm phát, nhưng nó cũng giúp giữ cho chỉ số tiêu dùng ở Mỹ mạnh mẽ. Ông Hatzius lưu ý rằng dữ liệu ECI của tuần này là tốt vì nó cho thấy tiền lương đang chậm lại. Tuy nhiên, điều này đã hạ nhiệt chậm hơn so với giá cả. Cả số liệu ECI và PCE cốt lõi đều thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.
Đồng quan điểm trên, bà Heidi Shierholz, cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Kinh tế và Tài chính, cho biết: “Tôi lạc quan rằng chúng ta đang hạ cánh mềm. Chúng ta đã thấy lạm phát ở mức vừa phải và sẽ tiếp tục như vậy, trong khi tỷ lệ thất nghiệp không gia tăng mạnh”. Bà cũng nhận định rằng nếu nước Mỹ suy thoái, đó sẽ là một thất bại về chính sách. Có thể là do Fed đã tăng lãi suất quá nhiều.
Bằng chứng về lạm phát chậm lại đi kèm với các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng vẫn ổn định. Bộ Thương mại Mỹ hôm 27/7 thông báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trên cơ sở hàng năm trong quý hai, cao hơn nhiều so với mức 1,8% mà các nhà kinh tế đã dự báo và cao hơn tỷ lệ 2% trong quý đầu tiên.
Các quan chức cũng chia sẻ sự lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Fed Jay Powell cho hay các nhân viên ngân hàng trung ương đã rút lại dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ, đồng thời thừa nhận vẫn cần thực hiện nhiều bước nữa để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu. Mặc dù mục tiêu đã nêu của Fed là quay trở lại mục tiêu lạm phát 2%, nhưng một số nhà phân tích cho rằng mức “hạ cánh mềm” gần 2% có thể đủ hiệu quả.
Giám đốc nghiên cứu toàn cầu Ajay Rajadhyaksha tại ngân hàng Barclays dự đoán: “Chúng ta có thể không hạ cánh mềm chính xác, nhưng nó sẽ nhẹ nhàng. Chúng ta có thể không giảm được lạm phát xuống 2%, nhưng đó sẽ không phải là ngày tận thế nếu lạm phát của Mỹ giảm xuống gần 2,6 - 2,7% mà không gây thất nghiệp nghiêm trọng”. Các thông tin kinh tế trên đã thúc đẩy thị trường Mỹ, vốn đã trở nên lạc quan hơn về triển vọng kinh tế với các loại tài sản rủi ro trong những tuần gần đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng gần 20% nhờ sự hào hứng của các nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo cùng với những tác động đối với các cổ phiếu công nghệ lớn. Cổ phiếu Nasdaq Composite - ngôi nhà chung của nhiều tên tuổi công nghệ lớn nhất - đã tăng 2% trong tuần qua, nhờ báo cáo thu nhập hàng quý mạnh mẽ của Meta.
Các công ty rủi ro hơn đang trả phí bảo hiểm nhỏ nhất trong 15 tháng để vay trên thị trường trái phiếu. Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và sự sôi nổi của thị trường vẫn có thể buộc Fed phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn như lời một số nhà kinh tế cảnh báo. Điều đó cuối cùng có thể đè bẹp thị trường lao động và khiến Mỹ rơi vào suy thoái.
Tuần này, ông Powell nói rằng việc giảm lạm phát mà không có “bất kỳ tác động tiêu cực đáng kể nào đối với thị trường lao động” là một “điều tốt”. Nhưng ông cảnh báo tăng trưởng mạnh hơn có thể một lần nữa thúc đẩy lạm phát, dẫn đến khả năng buộc phải thắt chặt hơn nữa.