Phát biểu tại họp báo trực tuyến ngày 28/1, ông Nkengasong cho biết các nước Maroc, Ai Cập, quần đảo Seychelles và Guinea đã bắt đầu tiêm vaccine của Trung Quốc. Bên cạnh 270 triệu liều vaccine đã được đảm bảo trước đó, AU đã ký thỏa thuận với Viện Serum của Ấn Độ cung cấp 400 triệu liều vaccine do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế.
Ông Nkengasong cảnh báo COVID-19 sẽ "tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm tới". Cơ quan trên hy vọng sẽ tiêm vaccine cho khoảng 30-35% người dân châu Phi trong năm nay. Ông cũng cho biết đang liên hệ với Trung Quốc, Nga và Cuba để có thêm vaccine và sẽ phối hợp với bất cứ đối tác nào có thể sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả.
Dù dịch không tác động mạnh đến châu Phi như các khu vực khác, nhưng giới chuyên gia lo ngại sự chênh lệch giàu nghèo, những khó khăn về logistic và "chủ nghĩa dân tộc vaccine" mà các nước phát triển đang theo đuổi có thể khiến châu lục nghèo nhất thế giới này bị thiệt thòi. Với tổng số dân là 1,3 tỷ người, châu Phi đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm và 88.000 ca tử vong. Số ca tử vong ở cả châu lục này ít hơn nhiều so với tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh.
Cùng ngày, Ấn Độ đã gửi một nửa triệu liều vaccine miễn phí cho Sri Lanka. Ấn Độ là một trong những nước sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới và vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford đang được sản xuất tại Viện Serum - một công ty tư nhân ở thành phố Pune, miền Tây của Ấn Độ. Vaccine này có tên thương mại là COVISHIELD.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tiếp nhận tượng trưng lô vaccine trên từ Đại sứ Ấn Độ Gopal Baglay trong buổi lễ diễn ra tại sân bay Colombo. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống cho biết số vaccine trên được tặng cho Sri Lanka theo đề xuất của Tổng thống Rajapaksa tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trung Quốc cũng cam kết giao 300.000 lọ vaccine cho Sri Lanka.
Ấn Độ, nước bị ảnh hưởng nhiều thứ hai thế giới, đã tặng vaccine cho Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Mauritius và cả Afghanistan khi Kabul phê chuẩn vaccine. Một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết: "Hành động nhân đạo này trong bối cảnh đại dịch cho thấy cam kết của Ấn Độ với chính sách láng giềng trước tiên".
Cùng ngày, Bahrain thông báo đã nhận những liều vaccine AstraZeneca/Oxford đầu tiên do Ấn Độ sản xuất. Truyền thông Bahrain đăng thông tin trên, song không cho biết số liệu được cung cấp. Bahrain đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine này từ ngày 25/1 và vaccine sẽ được tiêm miễn phí cho người dân. Thủ tướng Bahrain Salman bin Hamad al Khalifa đã cảm ơn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Giám đốc điều hành Viện Serum, Adar Poonawalla cho biết viện này sẽ cung cấp cho Saudi Arabia 3 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford trong vòng một tuần tới với giá 5,25 USD/liều.