Ngày 6/12, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã ra khuyến cáo đi lại, khuyên công dân Ấn Độ không nên đến Syria và khuyến nghị những người hiện đang ở nước này nên rời đi ngay lập tức.
Trong khuyến cáo, MEA nhấn mạnh: “Trước tình hình hiện tại ở Syria, công dân Ấn Độ được khuyến cáo tránh mọi hoạt động đi lại tới Syria, cho đến khi có thông báo mới. Những người có thể, được khuyên rời đi bằng các chuyến bay thương mại sớm nhất hiện có, trong khi những người khác được yêu cầu tuân thủ biện pháp phòng ngừa tối đa và đi lại ở mức ít nhất”.
Cũng trong ngày 6/12, hãng thông tấn nhà nước TASS của Liên bang Nga đưa tin Đại sứ quán nước này tại Syria đã kêu gọi công dân của mình rời khỏi Syria bằng các chuyến bay thương mại.
Trước đó một hôm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Syria đã gửi thông báo khẩn cấp, khuyến cáo công dân nước này nhanh chóng rời khỏi Syria do lo ngại tình hình bất ổn tại quốc gia Trung Đông này.
Xem video lực lượng nổi dậy ở Syria vui mừng sau khi chiếm được thành phố Hama. Nguồn: Reuters
Các động thái nêu trên diễn ra sau khi lực lượng nổi dậy Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) phát động một chiến dịch tấn công nhằm vào quân đội Syria và đạt được bước tiến mạnh mẽ.
Cụ thể là 4 ngày sau khi giành được Aleppo, vào hôm 5/12, HTS thông báo rằng họ đã chiếm được thành phố Hama. Đây chính là nơi trước đó Bộ Quốc phòng Syria tuyên bố là “không thể xâm nhập”, nhưng tới ngày 5/12 phải thừa nhận việc rút lui tạm thời.
Tiếp đó, vào chiều 6/12, liên minh được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Deir el-Zor, thành phố thứ ba rơi khỏi quyền kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ trong vòng một tuần.
Chính vì thế, với việc trong một tuần, lực lượng nổi dậy đã chiếm được một khu vực rộng lớn ở phía Đông Bắc Syria, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Tổng thống al-Assad.
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Syria, ngày 6/12, một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cho biết có tới 1,5 triệu người có thể buộc phải di dời nơi ở trong bối cảnh giao tranh leo thang ở Syria.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Samer AbdelJaber, Giám đốc Điều phối Khẩn cấp, Phân tích Chiến lược và Ngoại giao Nhân đạo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết: “Nếu tình hình tiếp tục diễn biến (với tốc độ như cũ), chúng tôi nhận định có khoảng 1,5 triệu người phải di dời nơi ở và sẽ cần sự hỗ trợ”.
Hiện WFP đã mở rộng quy mô hoạt động để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi giao tranh ở Syria. Cơ quan này đã cung cấp khẩu phần ăn sẵn, các bữa ăn nóng và đã phục vụ hơn 10.700 người. WFP cung cấp thực phẩm cho những người phải di dời nơi ở ở cả hai bên chiến tuyến.
Cơ quan này đang nỗ lực đàm phán thiết lập các hành lang an toàn để có thể vận chuyển nhanh chóng và đáng kể thực phẩm tới những người có nhu cầu.
Ông Abdeljaber nói thêm: “Tình hình ở Syria không hề dễ dàng với sự leo thang chiến sự hiện nay, vì vậy chúng tôi đang xem xét đây là một cuộc khủng hoảng. Và đó là lý do tại sao chúng tôi thực sự nhấn mạnh đến việc phải tài trợ khẩn cấp”.