Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, khoảng 15 nước khu vực này đã gửi thư đề nghị Chính phủ Ukraine cho phép công dân của mình và gia đình rời khỏi quốc gia Đông Âu này thông qua hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý di cư tại các khu vực biên giới.
Do chính phủ Ukraine đã phát lệnh tổng động viên kêu gọi tất cả các nam giới trưởng thành chiến đấu, các gia đình người Mỹ Latinh muốn rời khỏi quốc gia Đông Âu này phải trải qua quy trình tương đối phức tạp. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mexico cho biết phụ nữ và trẻ em có thể xuất cảnh nhanh chóng nhưng đàn ông gặp nhiều khó khăn.
Một số quốc gia trên thực tế không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Ukraine như Chile và Uruguay phải nhờ đến nỗ lực của các đại sứ quán đặt tại các nước láng giềng như Ba Lan và Romania, trong khi nhiều quốc gia khác như Argentina, Mexico, Brazil và Peru đã bố trí các hoạt động đặc biệt cùng với các phương tiện và máy bay quân sự để vận chuyển công dân của họ và thậm chí cả công dân của các nước Mỹ Latinh khác rời khu vực chiến sự.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người tị nạn Ukraine sau khi trên 1.000 người dân quốc gia Đông Âu này đã tới Hy Lạp kể từ khi xung đột nổ ra. Ông Mitsotakis khẳng định giống như các nước châu Âu khác, Hy Lạp sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. Đây được xem là động thái hiếm hoi của Chính phủ Hy Lạp bởi quốc gia này vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư và đã áp đặt nhiều biện pháp nhằm hạn chế người di cư.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Italy thông báo sẽ chuyển Đại sứ quán nước này từ thủ đô Kiev đến thành phố miền Tây Lvov. Trước đó, nhiều nước phương Tây cũng đã có động thái tương tự.
Bộ này nói rõ quyết định được đưa ra dựa trên tình hình an ninh tại Kiev và việc không thể đảm bảo đại sứ quán có thể hoạt động hết công suất. Trước đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay nhân viên đại sứ quán đã di chuyển đến nhà riêng của đại sứ cùng với một nhóm công dân Italy, bao gồm cả trẻ em. Có khoảng 87 người đã đến nhà riêng của đại sứ, 72 người trong số này dự kiến rời khỏi Ukraine trong ngày 1/3.
Trong khi đó, Slovakia thông báo đã cho phép một máy bay vận tải của Nga chở theo nhiên liệu hạt nhân hạ cánh xuống sân bay Bratislava của nước này. Đây là trường hợp miễn trừ đối với lệnh cấm máy bay Nga vào không phận của EU.
Trước đó, máy bay vận tải Il-76 của hãng hàng không Volga Dnepr (Nga) đã được Cơ quan hàng không dân sự Ba Lan cấp phép bay vào không phận để tới Slovakia - quốc gia thành viên EU. Theo giới chức Slovakia, máy bay Nga được miễn trừ lệnh cấm bay trong trường hợp hỗ trợ nhân đạo và chở nhiên liệu hạt nhân.
Theo kế hoạch, máy bay này sẽ chở nhiên liệu hạt nhân đến 2 nhà máy hạt nhân tại Mochovce và Jaslovske Bohunice của Slovakia.