Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn từ thương nhân và công ty tại thành phố Dandong (Trung Quốc) gần với biên giới Triều Tiên xác nhận thông tin trên.
Các công nhân Triều Tiên tại một nhà máy sản xuất giày. Ảnh: Reuters |
Việc các công ty Trung Quốc lợi dụng Triều Tiên để sản xuất quần áo giá rẻ bán trên toàn cầu cho thấy khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đóng nhiều cảnh cửa lại với Bình Nhưỡng, vẫn sẽ có cái khác được mở ra. Các biện pháp trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc liên quan đến chương tình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã không áp đặt cấm vận với xuất khẩu dệt may.
Một thương nhân giấu tên tại Dandong tiết lộ với Reuters: “Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi sẽ hỏi nhà cung cấp Trung Quốc liệu họ có nói thật với các khách hàng hay không. Đôi khi khách hàng cuối cùng không nhận ra rằng quần áo họ mua được sản xuất tại Triều Tiên. Điều này vô cùng nhạy cảm”.
Hàng chục cơ sở may mặc vận hành tại Dandong đóng vai trò trung gian cho nhà cung cấp may mặc Trung Quốc có khách hàng từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Nga và các nước châu Âu.
Một thương nhân Trung Quốc sống tại Bình Nhưỡng cho biết các nhà sản xuất có thể tiết kiệm 75% chi phí khi gia công sản phẩm quần áo tại Triều Tiên.
Theo Reuters, các nhà máy sản xuất đồ may mặc tại Triều Tiên thường tọa lạc ở thành phố Siniuju gần với Dandong, một số khác nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Quần áo thành phẩm thường được vận chuyển trực tiếp từ Triều Tiên đến cảng Trung Quốc và sau đó tỏa đi khắp thế giới.
Các thương nhân tiết lộ rằng mọi nhà máy ở Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước. Một doanh nhân Trung Quốc cho hay các công nhân Triều Tiên mỗi ngày có thể sản xuất số quần áo nhiều hơn đồng nghiệp Trung Quốc 30%. Người này nhận xét: “Không giống như công nhân Trung Quốc làm việc vì tiền lương, công nhân Triều Tiên có thái độ làm việc khác hẳn. Công nhân Triều Tiên tin rằng họ lao động vì quốc gia và lãnh đạo của mình”.
Công nhân Triều Tiên cũng nhận mức tiền lương rất khiêm tốn. Những người làm việc tại khu công nghiệp Kaesong thường nhận khoảng 75-160 USD/tháng, trong khi đó các công nhân Trung Quốc trung bình nhận được 450-750USD/tháng.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), trong năm 2016, dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên, đứng sau than đá.
Reuters đánh giá rằng ngành công nghiệp dệt may của Triều Tiên thịnh vượng cho thấy nước này đã bắt đầu thích nghi. Đại diện của Hải quan Trung Quốc xác nhận với các phóng viên rằng trong nửa đầu năm 2017, xuất khẩu từ nước này sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỉ USD, chủ yếu là nguyên liệu may mặc và các hàng hóa không có trong danh sách cấm vận của Liên Hợp Quốc.