Trong tuyên bố của mình, GAVI, tổ chức đồng lãnh đạo chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nêu rõ: "Chúng tôi cũng nhận ra tầm quan trọng của cam kết của chính quyền (Tổng thống Biden) nhằm hướng đến việc tăng cường sản xuất nguyên liệu thô, vốn sẽ có tác động ngay lập tức đối với nỗ lực giảm thiểu sức ép về nguồn cung toàn cầu hiện nay".
Vì lợi ích của việc tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu, GAVI kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nhà sản xuất không chỉ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mà còn bí quyết nhằm nâng cao năng lực sản xuất toàn cầu. Tổ chức có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) này đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế ngay lập tức chia sẻ vaccine với COVAX để hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng hạn chế nguồn cung toàn cầu, cũng như đáp ứng nhu cầu cấp bách nhằm bảo vệ những người dân có nguy cơ cao.
GAVI đã đối mặt với tình trạng hạn chế nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 sau khi Ấn Độ tạm dừng hoạt động xuất khẩu chế phẩm này do phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng. Tới nay, vaccine AstraZeneca, do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, là trụ cột chính của COVAX.
Chương trình này đã cung cấp 53 triệu vaccine ngừa COVID-19 cho 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. COVAX đặt mục tiêu đảm bảo 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, 50% trong số đó sẽ dành cho 92 nước thu nhập thấp.
Tương tự, Liên minh châu Phi (AU) mô tả việc Mỹ ủng hộ đề xuất dỡ bỏ bằng độc quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19 phản ánh "vai trò lãnh đạo nổi bật" của cường quốc này, góp phần đáng kể trong nỗ lực chống lại "một thách thức khủng khiếp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đương đại của chúng ta".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng ngày tuyên bố EU sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, song nhấn mạnh ưu tiên trước mắt của châu Âu sẽ là thúc đẩy nguồn cung toàn cầu. Bà kêu gọi tất cả các nước sản xuất vaccine cho phép xuất khẩu và tránh áp dụng các biện pháp gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" việc dỡ bỏ toàn cầu bằng độc quyền sáng chế dành cho vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp sẽ được đẩy mạnh và bắt đầu từ tuần tới, mọi người trưởng thành đều được tiêm vaccine, không phân biệt tình trạng sức khỏe của họ. Theo quy định hiện tại, vaccine chỉ được tiêm cho những người ngoài 55 tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích việc Anh và Mỹ không xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 đến những nước đang thiếu hụt chế phẩm này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 nếu đây là giải pháp để đẩy nhanh việc tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng tái khẳng định cam kết của Đức trong việc hỗ trợ dập dịch. Trong khi đó, dù bày tỏ ủng hộ về đề xuất trên, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng các nước sản xuất vaccine "cũng phải xuất khẩu chúng cho các nước khác".
Trước đó một ngày, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với bằng độc quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19".
Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của WTO sẽ mất thời gian do việc phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.