COVID-19 không chỉ gây tác động nặng nề về y tế khi Nga là quốc gia có số ca mắc cao thứ tư thế giới với hơn 3 triệu người, trong đó hơn 55.000 ca tử vong, mà còn giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đã chao đao do các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt từ năm 2014. Đại dịch cũng ảnh hưởng tới nhiều kế hoạch lớn của Nga, trong đó có hoạt động kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát-xít, khi mà cuộc đối đầu địa-chính trị giữa Nga với Mỹ và phương Tây ngày càng quyết liệt hơn. Tuy nhiên, dường như nhiều năm phải "vượt sóng dữ" cũng đã giúp nước Nga "tôi luyện" được khả năng chống chịu. Trong muôn vàn thách thức của năm 2020, nước Nga đã nỗ lực tận dụng những cơ hội để tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Nước Nga bước vào năm 2020 với một sự thay đổi mang tính bước ngoặt về chính trị. Ngày 15/1, ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 16, trong đó đề xuất giải pháp dài hạn nhằm tăng cường ổn định bên ngoài và bên trong nước Nga bằng cách thông qua một số sửa đổi trong Hiến pháp hiện hành, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã đệ đơn từ chức. Chỉ một ngày sau, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua và Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới. Đây được coi là một phần trong kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị mà Tổng thống Putin đề cập trong Thông điệp Liên bang, đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình sửa đổi Hiến pháp ở Nga. Chỉ 4 ngày sau, Tổng thống Putin đã trình lên Đuma Quốc gia dự thảo luật về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, chính thức khởi động tiến trình xem xét và thảo luận công khai về những nội dung sửa đổi.
Đề xuất của Tổng thống Nga về sửa đổi Hiến pháp được đánh giá là kế hoạch cải cách cho tương lai, tập trung vào một số thay đổi đáng chú ý nhất, bao gồm ưu tiên của luật pháp Nga so với các chuẩn mực của luật quốc tế; cấm các chính khách và quan chức Nga sở hữu quốc tịch nước ngoài, có tài khoản ngân hàng hoặc giấy phép cư trú ở nước ngoài; hình thành hệ thống cơ quan công quyền thống nhất; đưa vào Hiến pháp quy định về Hội đồng Nhà nước; trao quyền cho Đuma Quốc gia xem xét việc bổ nhiệm người đứng đầu chính phủ để tổng thống phê chuẩn...
Giới chuyên gia đánh giá các đề xuất của Tổng thống Putin thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến LB Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Cuộc bỏ phiếu toàn dân về sửa đổi Hiến pháp là sự kiện tâm điểm trong đời sống chính trị nước Nga năm 2020. Mặc dù sự kiện này được chính quyền Nga lên kế hoạch từ trước, song đại dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện và bối cảnh tiêu cực bên ngoài trong cùng thời gian đã làm đảo lộn chương trình nghị sự. Thay vì tổ chức tháng 4, cuộc bỏ phiếu đã phải lùi tới ngày 1/7, với kết quả khoảng 78% cử tri Nga ủng hộ các đề xuất cải cách vốn sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị đất nước. Trong bối cảnh nước Nga khi đó phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế nghiêm trọng, kết quả này được coi như một phép thử về lòng tin của người dân Nga đối với Tổng thống Putin và chính quyền Nga trên chặng đường lãnh đạo đất nước.
Bên cạnh đó, đa số các nhà phân tích đánh giá những sửa đổi Hiến pháp lần này cho phép củng cố nhà nước Liên bang Nga với tư cách là một cường quốc có chủ quyền, nơi lãnh đạo đất nước hành động vì lợi ích quốc gia, còn người dân có toàn quyền quyết định tương lai đất nước mà không bị phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài. Những sửa đổi này cũng giảm thiểu những nguy cơ gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; góp phần củng cố thêm về an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Bởi vậy mà việc thông qua sửa đổi Hiến pháp có thể coi là thành tựu quan trọng của nước Nga năm 2020.
Với việc củng cố Hiến pháp, chính quyền Nga có thể tập trung vào nhiệm vụ chống dịch và khôi phục kinh tế. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi khía cạnh đời sống lấy đi nhiều việc làm và làm suy giảm hoạt động sản xuất. Sản xuất của Nga đã giảm 3,6%, thu nhập thực tế của người dân giảm khoảng 3%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,3%. Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov, đại dịch COVID-19 đã kìm hãm sự phát triển của Nga tới một năm rưỡi, làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội liên quan đến nạn thất nghiệp.
Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội quy mô lớn, vô hình trung lại khẳng định thêm tính đúng đắn trong quan điểm của Moskva về vai trò một nhà nước tập trung mạnh mẽ, quy tụ các nguồn lực cần thiết và khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và quyết đoán, điển hình là Nga tiên phong trong việc đăng ký vaccine Sputnik-V. So với nhiều quốc gia trong tình cảnh tương tự, hệ thống y tế của Nga đã ứng phó khá hiệu quả, cơ sở hạ tầng quản lý và nguồn lực con người vẫn trụ vững đến thời điểm này. Điều đó có thể giúp Nga giảm được tổn thất. Chiến lược gia tăng tích lũy các nguồn lực tài chính dự phòng cho “ngày đen tối” đã tỏ rõ tính đúng đắn, dự trữ vàng của Nga trong năm 2020 tiếp tục tăng, bất chấp doanh thu từ dầu mỏ giảm. Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, suy giảm kinh tế Nga là điều không tránh khỏi nhưng có thể vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Âu.
Nga đã đạt thành quả tiên phong trong việc nghiên cứu và bào chế vaccine Sputnik-V ngừa COVID-19, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với các nước khác trong cuộc chiến chung chống đại dịch thông qua việc cung cấp thiết bị y tế và cử đoàn bác sĩ tới Italy, Serbia, Kazakhstan và nhiều quốc gia khác hỗ trợ chống dịch. Các nhà quan sát tin rằng việc cung cấp hàng tỉ liều vaccine Sputnik-V và những thiết bị y tế khác cho các nước trên thế giới có thể là điểm khởi đầu để Nga thúc đẩy ngoại giao nhân đạo trong tương lai.
Về mặt đối ngoại, có thể thấy trong một năm thế giới bất ổn và rối loạn, Nga tiếp tục thể hiện vai trò cầu nối, giúp mở cánh cửa đối thoại cho các điểm nóng. Đó là vai trò trung gian đối với thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorny Karabakh, đặc biệt việc Tổng thống Nga Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 9/11 ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Nagorny-Karabakh đã mở ra lối thoát hòa bình cho cuộc đụng độ quân sự kéo dài hơn 1 tháng giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp này, khiến hàng nghìn người thương vong. Hiện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh trong khuôn khổ hoạt động gìn giữ hòa bình chung, mở đường để các bên xung đột tìm kiếm giải pháp bền vững cho vấn đề này. Giới phân tích đánh giá chiến lược ngoại giao đúng đắn và khôn khéo của Nga trong việc xử lý một số cuộc khủng hoảng bùng phát tại khu vực, như xung đột Nagorny Karabakh hay căng thẳng hậu bầu cử tại Belarus đã góp phần giúp ngăn chặn tình hình leo thang, qua đó củng cố và tăng cường ảnh hưởng của Moskva trong không gian hậu Xô-viết.
Hồi tháng 3, thông qua cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hai bên cũng đã gạt sang một bên những khác biệt về quan điểm và lợi ích để nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở điểm nóng Idlib, miền Tây Bắc Syria, ngăn chặn nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp ở khu vực này. Nga cũng nổi lên là nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya. Những hoạt động đó khiến vai trò quốc tế của Nga ngày càng được nâng cao, minh chứng là hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thăm Nga nhằm tìm kiếm sự phối hợp của Moskva trong một loạt vấn đề như việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, giải quyết vấn đề Syria, Libya, xung đột ở miền Đông Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Có thể nói mặc dù còn nhiều bất đồng với chính quyền Nga, song các chính trị gia phương Tây cũng phải thừa nhận Moskva có vai trò quan trọng trong việc tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng chứng kiến nhiều nốt trầm trong quan hệ Nga-phương Tây, đặc biệt là quan hệ Nga-Mỹ. Sau khi xóa bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đã tồn tại suốt 18 năm qua với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước". Vấn đề gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START 3), vốn sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, cũng gặp trở ngại. Hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước này thêm 1 năm mà không có bất kỳ điều kiện nào để có thể tiến hành các cuộc đàm phán, tuy nhiên Washington sau đó đã bác bỏ. Trong cuộc họp báo lớn thường niên diễn ra ngày 17/12, Tổng thống Putin tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi với hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể thay đổi quan điểm. Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) cũng căng thẳng liên quan tới vụ nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc, dẫn tới hai bên tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các kế hoạch đối ngoại tham vọng được chuẩn bị kỹ lưỡng của Điện Kremlin, như chuyến thăm Moskva nhân kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát-xít của lãnh đạo các quốc gia hàng đầu thế giới. Đại dịch cũng cản trở sáng kiến đối ngoại trọng tâm của Nga, là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tạo diễn đàn cởi mở để thảo luận về các nguyên tắc tập thể trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, hướng đến việc “chung sống hòa bình” giữa các quốc gia, trong bối cảnh chia rẽ và bất đồng giữa 5 nước này thời gian qua đã ảnh hưởng tới hoạt động chung của HĐBA. Hiện Nga vẫn tiếp tục kiên trì thúc đẩy sáng kiến này trong năm 2021.
Trong thông điệp mừng Năm mới 2020 đọc ngày 1/1, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi người Nga đoàn kết vì tương lai đất nước và cùng chung tay, nỗ lực để đảm bảo rằng nước Nga phát triển thành công. Còn trong cuộc họp báo lớn thường niên cuối năm, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng người dân Nga, trong điều kiện khó khăn của khủng hoảng dịch bệnh, vẫn đoàn kết cùng vượt qua. Tinh thần “đại đoàn kết dân tộc" đó có ý nghĩa quyết định để nước Nga tiếp tục đương đầu với những thử thách vẫn còn ở phía trước.