Theo hãng tin Reuters, Đức đã hỏi về các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, một quan chức chính phủ Ba Lan cho biết trong tuần này rằng Ba Lan muốn mua khẩn các hệ thống máy bay không người lái Reaper tinh vi của Mỹ.
Cũng có một số đề nghị mua vũ khí từ các nước khác ở Đông Âu, như tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.
Nhu cầu của các quốc gia nói trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu tăng cường ngân sách quốc phòng để đối phó với tình hình an ninh ngày càng không chắc chắn. Đức, Thụy Điển và Đan Mạch nằm trong số những quốc gia có thể tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Tuần trước, bà Mara Karlin, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết sau một cuộc điều trần trước quốc hội rằng các đồng minh châu Âu đang tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng.
Vì các nhà thầu Mỹ phải được chính phủ cho phép khi muốn bán vũ khí cho các chính phủ nước ngoài, nên Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc sẽ họp hàng tuần với Nhóm Quản lý Khủng hoảng châu Âu để xem xét các yêu cầu mua vũ khí cụ thể liên quan đến tình hình hiện tại ở Ukraine.
Lầu Năm Góc đã thành lập lại một nhóm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí và tăng tốc độ phê duyệt các thương vụ mua bán, chuyển giao vũ khí do các nhà thầu quốc phòng Mỹ sản xuất.
Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Bộ Quốc phòng đang tìm các phương án để hỗ trợ nhu cầu của Ukraine, nhanh chóng bổ sung vũ khí và đáp ứng nhu cầu các đồng minh và đối tác vốn đang cạn vũ khí. Đồng thời, Lầu Năm Góc cũng đang phối hợp với các nhà thầu để tìm cách giảm nhẹ căng thẳng chuỗi cung và đẩy nhanh tiến độ sản xuất”.
Tập đoàn Raytheon Technologies và Lockheed Martin Corp cùng sản xuất tên lửa chống tăng Javelin, còn Raytheon sản xuất tên lửa phòng không Stinger. Tiềm năng tăng vọt doanh số bán tất cả các loại vũ khí kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2 đã làm tăng 8,3% giá trị cổ phiếu Lockheed và 3,9% giá trị cổ phiếu Raytheon.
Giám đốc điều hành Raytheon, ông Tom Laliberty cho biết công ty nhận thấy cần cấp thiết bổ sung lượng vũ khí Javelin và Stinger đã cạn kiệt.
Việc châu Âu tăng mua đáng kể vũ khí của Mỹ có thể gây ra phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Hồi đầu tháng, Giám đốc điều hành tập đoàn Dassault Aviation (Pháp) đã chỉ trích Đức vì quyết định đặt mua F-35 từ Mỹ, nói rằng quyết định này có thể làm suy yếu quá trình hỗ trợ các dự án hợp tác ở châu Âu.
Phán ứng của Dassault Aviation được đưa ra sau khi Chính phủ Đức ngày 14/3 cho biết nước này đồng ý về nguyên tắc mua máy bay chiến đấu F-35 để thay các máy bay Tornado đã cũ.
Đức cũng đang kiểm tra các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mặc dù đó không phải là hệ thống hàng đầu mà Đức muốn mua. Một chính trị gia đối lập ở Đức đã hỏi về việc mua hệ thống đánh chặn lửa đánh chặn tầm ngắn Iron Dome để bảo vệ Berlin. Việc quyết định mua những gì vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Đức cũng sẽ quyết định về việc mua một loại máy bay trực thăng hạng nặng mới trong năm nay. Các đối thủ của thương vụ trị giá khoảng 4 tỷ euro này bao gồm CH-53K King Stallion của Lockheed Martin và H-47 Chinook của Boeing.
Trung tá Krzysztof Platek, người phát ngôn của Cơ quan vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng Ba Lan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/3 rằng Ba Lan muốn mua một số máy bay không người lái MQ-9 Reaper do General Atomics sản xuất theo một quy trình đặc biệt và đang nhắm đến các thương vụ mua sắm tiếp theo sau đó. Ông nói: “Đơn hàng này là để phản ứng với tình hình an ninh hiện tại, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu”.
Thông thường, các hợp đồng quốc phòng của Mỹ mất nhiều năm đàm phán, phê duyệt và xem xét sau khi các quốc gia đã mất tới vài năm để quyết định nhu cầu.