Theo kênh CNN, sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria, SDF (thành phần nòng cốt là người Kurd) đã đạt thỏa thuận với Chính phủ Syria để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, SDF đứng giữa Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đội quân của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan quyết tâm tiêu diệt SDF và những người Kurd mong muốn độc lập không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở Syria và một số nơi khác. Trong hoàn cảnh đó, việc SDF chọn liên minh với Chính phủ Syria là điều dễ hiểu.
Mặc dù cuộc tấn công người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tuần trước có thể chưa chấm dứt sớm nhưng cái kết cho cơn ác mộng chiến tranh 8 năm ở Syria đang bắt đầu.
Chỉ còn hai chướng ngại vật nữa là cuộc xung đột đẫm máu và tàn khốc kéo dài ở Syria sẽ kết thúc. Một là Idlib, tỉnh ở Tây Bắc Syria đang do nhiều tổ chức cực đoan nổi dậy kiểm soát. Nơi đây có hàng triệu dân thường chạy tới lánh nạn. Idlib sẽ là khu vực khó chiếm nhất với quân Chính phủ Syria.
Tiếp đó là những khu vực ở Syria hiện do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, đặc biệt là ở phía Tây. Đây là khu vực Afrin, chủ yếu là nơi ở của người Kurd và bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng đầu năm 2018. Ngoài ra, có một số khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria xâm lược mới tuần trước.
Lực lượng Mỹ ở Syria vẫn ở lại Tanf, Đông Nam Syria, nhằm ngăn chặn tình trạng tuồn lậu vũ khí vào Syria. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Syria có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Tây Bắc, lực lượng Mỹ sẽ không cần ở lại Tanf nữa và có thể sẽ rút hết.
Xét cán cân địa chiến lược, có thể thấy rõ ai đang nắm ưu thế. Đó chính là Chính phủ Syria. Giữa năm 2015, Chính phủ Syria còn đang trên bờ vực sụp đổ và chỉ được vực dậy khi có sự hỗ trợ của Nga, Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.
Theo CNN, bên không giành được điều gì ở Syria chính là Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng cung cấp cho phe đối lập Syria vũ khí và huấn luyện để tiếp tục cuộc chiến, nhưng không có gì thay đổi lớn. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng không có hứng thú tiếp tục hỗ trợ phe đối lập Syria. Ông Trump còn thông báo rút mọi binh sĩ ra khỏi miền Bắc Syria hồi tháng 12/2018. Sau đó, Mỹ vẫn hỗ trợ SDF trong trận chiến với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Baghouz đầu năm 2019 cho tới khi rút quân ngày 13/10, một động thái bị chỉ trích là dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria.
Trong cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là bên mất nhiều hơn được. Hàng triệu người tị nạn đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục nghìn người ủng hộ IS đã trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập “Vương quốc Hồi giáo” tự xưng. Quan hệ của Ankara với Mỹ và châu Âu liên tục xấu đi trong những năm gần đây mà lý do đều xoay quanh vấn đề Syria. Khi vừa bị Mỹ tung đòn trừng phạt và một số nước châu Âu cấm vận vũ khí, mối quan hệ giữa Ankara với các nước tiếp tục đi xuống.
IS đã bị loại bỏ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, khoảng 14.000 đến 18.000 phần tử khủng bố IS, trong đó có 3.000 tay súng nước ngoài, đang tan tác khắp nơi ở Syria và Iraq. Hàng nghìn tay súng IS cũng bị giam giữ trong các nhà tù do SDF quản lý ở Đông Syria. Về lâu dài, IS sẽ tiếp tục là mối đe dọa ở Syria và Iraq cũng như với toàn thế giới, nhưng tạm thời, mối lo đó không còn quá nghiêm trọng.
Mặc dù cuộc chiến tranh ở Syria có thể đang tới hồi kết nhưng không có lý do gì để ăn mừng. Hơn nửa triệu người Syria đã thiệt mạng, hàng triệu người có thể phải sống lưu vong mãi mãi, hàng triệu người vĩnh viễn phải rời nơi ở.
Cuộc chiến đã khiến nhiều làng mạc, đô thị, thành phố trở thành đống gạch vụn. Do bị Mỹ trừng phạt, nền kinh tế Syria sẽ còn khó phục hồi. Những người còn sống sót sau chiến tranh sẽ đối mặt cuộc sống gian khổ. Syria có thể sẽ không bao giờ quay trở lại thời thanh bình như trước, hoặc giấc mơ đó sẽ rất xa xôi.