Quân đội Mỹ từng dựng một loạt đồn chỉ huy và trạm quan sát dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong sứ mệnh dẫn dắt lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhưng khoảng một tuần trở lại đây, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự sang biên giới phía Nam của nước này, khu vực mà quân Mỹ chiếm đóng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Các đơn vị quân sự Mỹ đã phải đối mặt với các trận pháo kích hạng nặng từ Ankara.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/10 ra lệnh toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Syria phải rút quân nhanh nhất có thể để đảm bảo an toàn, ngoại trừ một căn cứ nhỏ trên sa mạc sát biên giới với Jordan.
Tuy nhiên, việc toàn bộ binh sĩ Mỹ rút khỏi Syria không phải là điều đơn giản. Từ đầu tuần, quân đội Mỹ phải xử lý tình huống khi các thành phố và đường cao tốc nằm trên đường rút quân liên tục thay đổi lực lượng kiểm soát. Tính đến ngày 15/10, ít nhất một đơn vị lực lượng Mỹ - ước tính gồm 50-100 binh sĩ – bị mắc kẹt trong làn chuyển quân của 2 bên: một là lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới, hai là lực lượng Chính phủ Syria “bắt tay” với người Kurd tiến vào các thị trấn chiến lược Raqqa, Manbij, Kobani, Qamishli, và Ayn Issa.
Không chỉ gặp khó khăn do các nhánh quân tiến công từ các phía, một phần nguyên nhân khiến binh sĩ Mỹ bối rối trên đường rút quân là do phải nhận các mệnh lệnh đầy mâu thuẫn từ lãnh đạo cấp cao.
Tiết lộ cho trang mạng Business Insider, một binh sĩ Mỹ giấu tên chia sẻ: “Chúng tôi nhận được liên tiếp 3 chỉ thị từ chỉ huy cấp cao. Đầu tiên là hoàn toàn dừng mọi hoạt động và ở yên vị trí. Chỉ thị thứ hai là rút lui một phần khỏi căn cứ. Chỉ thị thứ ba là rút lui hoàn toàn, chấm dứt sứ mệnh chiến đấu chống IS kéo dài 5 năm”.
Nguồn tin nói thêm: “Pháp và Anh có quy mô đơn vị đặc nhiệm nhỏ hơn Mỹ nên họ không gặp nhiều rắc rối khi rút lui khỏi Syria. Việc di dời thiết bị hỗ trợ và phần còn lại của liên quân không thể giống với việc ra lệnh cho 20 đặc nhiệm gói ghém đồ đạc và rời đi. Chỉ huy các đơn vị Mỹ phải thu hẹp hoạt động, bảo đảm cho việc 1.000 binh sĩ và tài sản an toàn nhất có thể qua vùng chiến sự. Đó là một yêu cầu quá sức ngay cả đối với binh sĩ huấn luyện tốt nhất khi nhận chỉ thị chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong tình hình hỗn loạn như hiện nay”.
Nhóm phóng viên kênh truyền hình Nga RT tiếng Arab đã có cơ hội tiếp cận bên trong căn cứ Mỹ ở Manbij bị bỏ hoang sau khi đơn vị rời khỏi một vài tiếng trước. Những hình ảnh được quay lại cho thấy các binh sĩ dường như rút quân một cách rất vội vã, thậm chí còn không kịp mang theo đồ dùng cá nhân và thiết bị. Ngay cả bữa ăn tối còn bỏ dang dở. Không còn một bóng người ở lại canh gác căn cứ, ngoại trừ một chú chó bị bỏ lại.
Video căn cứ Mỹ tại Manbij bỏ hoang sau khi binh sĩ rời khỏi (nguồn: RT):