Những điểm sáng trong đàm phán hoà bình Nga-Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ

Sau một tháng xung đột, Kiev đã đưa ra một đề xuất bằng văn bản về những gì họ muốn từ một hiệp ước hòa bình với Nga.

Chú thích ảnh
Cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Ngày 29/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng cai tổ chức vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine.  Phía Ukraine đã đưa ra một đề xuất bằng văn bản cho một hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia - theo thông báo của nhà đàm phán hàng đầu Nga, Vladimir Medinsky sau phiên họp mà ông mô tả là diễn ra "thực chất".

Ông Medinsky nói thêm, đề xuất này sẽ được chuyển tới Tổng thống Nga Vladimir Putin để xem xét. Dưới đây là những điểm nổi bật sau cuộc hội đàm mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ do đài RT (Nga) tổng hợp.

Nga thu hẹp chiến dịch quân sự 

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, hiệu quả thực tế tức thì của cuộc đàm phán sẽ là giảm leo thang các hoạt động quân sự ở một số vùng của Ukraine. Đặc biệt, họ cam kết giảm "đáng kể" hoạt động của mình gần các thành phố Chernigov và thủ đô Kiev.

Đảm bảo an ninh kiểu NATO

David Arakhamia, nhà đàm phán đối diện với ông Medinsky bên phái đoàn Ukraine, cho biết Kiev đã tìm kiếm một bảo đảm an ninh tương tự như quy định trong Điều 5 của Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho biết Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Italy, Ba Lan và Israel có thể là những nhà cung cấp bảo đảm tiềm năng. Một số bên trong số này đã đưa ra thỏa thuận sơ bộ.

Chú thích ảnh
Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy phụ trách phòng thủ ở Kiev, trong một hào chiến đấu ở phía bắc thủ đô Ukraine ngày 29/3/2022. Ảnh: AP

Không tham gia khối quân sự và phi hạt nhân hóa Ukraine

Theo ông Medinsky , trong đề xuất, Ukraine cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài hoặc quân đội nước ngoài. Ngay cả các cuộc tập trận quân sự cũng cần có sự chấp thuận trước của những bên bảo lãnh - theo đề xuất. Kiev cũng cam kết không tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Nhưng đổi lại Ukraine muốn Nga không phản đối việc gia nhập EU vào một thời điểm nào đó.

Vấn đề Crimea, Donbass chưa được giải quyết

Nhà đàm phán Medinsky cho biết, Kiev đã đưa ra lệnh tạm hoãn 15 năm đối với quy chê của Crimea, trong thời gian đó số phận của vùng lãnh thổ sẽ được thương lượng và cả hai bên sẽ cam kết không sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết. Điều này không phù hợp với quan điểm của Nga rằng Crimea là một phần lãnh thổ của mình và Kiev cần phải công nhận như vậy.

Đặc phái viên Nga cho biết Ukraine cũng đã tìm cách đưa "các vùng" của hai khu vực Donetsk và Lugansk vào định nghĩa lãnh thổ của mình nhằm mục đích đảm bảo an ninh. Moskva đã chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk là các quốc gia có chủ quyền - trong ranh giới khu vực đầy đủ của họ - chỉ vài ngày trước khi đưa quân vào Ukraine hôm 24/2.

Chú thích ảnh
Lính Ukraine ở phía bắc Kiev, ngày 29/3/2022. Ảnh: AP

Vấn đề biên giới

Nhà đàm phán Medinsky cho biết Kiev không nêu rõ liệu họ có từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với Donetsk và Lugansk hay không. Trước tháng 2, Ukraine kiểm soát một phần lớn ở cả Donetsk và Lugansk và coi các khu vực này là lãnh thổ của mình.

Nhà đàm phán Arakhamia bên phía Ukraine nói rõ rằng Kiev sẽ khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ mà Ukraine có được khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, đồng thời khẳng định không thể có thỏa hiệp về điểm này.

Các điều kiện mới cho cuộc gặp Zelensky-Putin

Moskva đã đồng ý tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky như một phần của giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình trong tương lai. Điện Kremlin trước đó nói rằng một cuộc họp như vậy chỉ có thể được lên lịch sau khi tài liệu được các bộ trưởng ngoại giao hai bên hoàn thiện.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu chào đón hai phái đoàn Nga - Ukraine tham dự đàm phán ở Istanbul ngày 29/3/2022. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ/AP

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cái giá thực của ‘khí đốt tự do’ Mỹ với châu Âu
Cái giá thực của ‘khí đốt tự do’ Mỹ với châu Âu

Kỹ thuật "thuỷ lực cắt phá” nhằm khai thác dầu khí đã bị cấm ở hầu hết châu Âu, nhưng khi EU quay sang Mỹ để tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế cũng từ kỹ thuật này, họ sẽ phải đánh đổi điều gì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN