Hằng tối, 19h là lúc bà Chan Hong Yee chuẩn bị dọn hàng ra về. Làm thuê tại một tiệm bánh mỳ gần khu chợ Wanchai, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), công việc của bà tại đây là bán bánh, phụ giúp lau chùi cửa hàng.
Dù gần 70 tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, đôi tay bà không ngơi nghỉ. Bà cho biết dù dịch bệnh nhưng tiệm bánh của bà vẫn đông khách, vì chủ yếu phục vụ cho người dân lao động nên công việc của bà vẫn ổn định. Công việc của bà thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, lại nằm trong độ tuổi có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao. Bà chia sẻ: “Mặc dù mấy ngày gần đây, các ca nhiễm ở Hong Kong tăng mạnh, nói không sợ bị lây nhiễm thì không phải, nhưng giờ đây có công việc làm là tốt rồi, mình phải tự biết cách bảo vệ bản thân thôi”.
Cách tự bảo vệ bản thân của người Hong Kong là đeo khẩu trang khi ra ngoài, thậm chí khi không có dịch, bởi họ lo mình bị ốm và không muốn lây bệnh cho người khác. Đeo khẩu trang trở thành một hành động bình thường tại Hong Kong sau dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) năm 2003, cướp đi sinh mạng của gần 300 người và từng là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.
Hết biểu tình rồi đến dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tại Hong Kong gia tăng, con trai bà Chan trước làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng nhiều tháng nay không có việc làm, chồng bà bị bệnh đã nghỉ mất sức. Hiện cả gia đình 3 người chỉ trông chờ vào khoản thu nhập ít ỏi của bà. Dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái ở Hong Kong và khiến nhiều người thất nghiệp, hoặc bị cắt giảm thời gian làm việc và thu nhập.
Thống kê chính thức mới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng 3,7%, cao nhất trong 9 năm qua, với 134.100 người không có việc làm. Cuộc sống ngày càng khốn khó hơn trong khi chi phí sinh hoạt tại Hong Kong lại đắt đỏ, nhiều công ty đóng cửa, giờ đây những người cao tuổi càng không dễ tìm kiếm được việc làm. Bà Chan lo lắng sau khi dịch bệnh qua đi, tình hình kinh tế sắp tới sẽ rất khó khăn và gánh nặng tương lai không biết xoay xở ra sao.
Đặc khu hành chính Hong Kong vốn được biết đến như một trung tâm tài chính châu Á, một trong những thành phố nổi tiếng đắt đỏ và cũng là nơi có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Sau nhiều tháng biểu tình hỗn loạn, giờ đây lại tiếp tục hứng chịu đợt càn quét của COVID-19, khiến cuộc sống của những người có thu nhập thấp tại Hong Kong càng khó khăn hơn.
Bà Lau Hwa-Choi, 65 tuổi, là nhân viên dọn dẹp vệ sinh trong khu chung cư. Bà là người Trung Quốc đại lục, sang Hong Kong làm việc và thuê nhà cách chỗ làm 1 giờ đi tàu điện ngầm. Bà Lau chia sẻ: “Chỗ tôi thuê là căn hộ chia nhỏ nên diện tích rất chật chội, trong đợt dịch COVID-19 này tôi xin ở lại trực đêm và nghỉ luôn tại chỗ làm để tránh lây nhiễm”.
Những căn hộ chia nhỏ thường được gọi là căn hộ “quan tài” diện tích khoảng 1,5 m2 đủ để 1 người nằm ngủ, có bếp và toilet cùng ở một chỗ và khoảng 20 người người dùng chung với giá thuê khoảng 2.000 HKD (tương đương 6 triệu VND) 1 chỗ.
Vì không đủ tiền để thuê những căn phòng rộng với giá cắt cổ, những người có thu nhập thấp phải chấp nhận trong những không gian sinh hoạt chật chội, đông đúc và mất vệ sinh, họ có nguy cơ bị và lây nhiễm virus cao. Nhất là những người ở độ tuổi có nguy cơ cao như bà Lau. Sự bùng phát của COVID-19 cho thấy điều kiện ở đã tác động tới những người nghèo đang sống và cách ly trong các căn hộ chia nhỏ ở thành phố này như thế nào.
Trong những ngày gần đây, khi số ca nhiễm mới tăng cao, dù Chính quyền Hong Kong kêu gọi người dân ở trong nhà, hạn chế tụ tập, duy trì dãn cách cộng đồng, nhưng đối với nhiều người nghèo ở đây, khi phải sống trong những căn hộ “quan tài” của mình giữa mùa dịch COVID-19, thì thà họ ngủ ngoài công viên hoặc đi cách ly còn đỡ bị lây nhiễm virus hơn.
Bản thân Chính quyền Hong Kong cũng đang lúng túng trong việc giải quyết tình trạng nhà ở cho số người nghèo ở trong các căn hộ chia nhỏ này, bởi họ hiểu khi một người ở đây bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì hậu quả sẽ khôn lường. Biện pháp trước mắt là tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh và giữ gìn vệ sinh chung của người dân, khử trùng thường xuyên xung quanh các khu vực nhà ở này.
Hiện dân số của Hong Kong là 7,5 triệu người, số lượng người nghèo khoảng 1,41 triệu người, chiếm 20,4% dân số, trong đó có khoảng 200.000 người thu nhập thấp đang sống trong những căn hộ tồi tàn như thế này. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 16,9% tổng dân số, tương đương 1,2 triệu người, trong đó có khoảng 516.000 người cao tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói, không có lương hưu, không có khoản tích lũy, phải làm những công việc lao động chân tay cực nhọc để nuôi sống bản thân. Trong khi các chế độ phúc lợi cho người cao tuổi như trợ cấp khó khăn - khoảng 3.000 HKD (tương đương 9 triệu VND/tháng), nhà ở xã hội... đến từ chính quyền đặc khu đang ngày một thu hẹp.
So với những người nghèo khác, bà Lau còn may mắn có chỗ làm việc để ở tạm qua hết đợt dịch. Theo số liệu thống kê của Chính quyền Hong Kong, có khoảng 1.127 người vô gia cư phải sống lay lắt, ngủ vạ vật ở gầm cầu đi bộ hay công viên và đa số là người cao tuổi. Mặc dù Chính quyền Hong Kong đã thông báo kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà ở dành cho người có thu nhập thấp trong những năm tới, nhưng với số lượng nộp đơn đăng ký nhà ở xã hội hiện nay thì một người phải đợi trung bình 5 năm rưỡi mới có được nhà ở.
Không chỉ thiếu thốn chỗ ở, những người cao tuổi có thu nhập thấp còn không có khẩu trang và các dung dịch khử trùng để phòng dịch. Bà Lau cho biết: “Ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi, khẩu trang luôn cháy hàng. Còn tại các cửa hàng bên ngoài, 1 hộp khẩu trang 50 cái có giá lên đến 350 HKD (hơn 1 triệu đồng Việt Nam). Những người nghèo như chúng tôi không đủ khả năng để mua”.
Để giải quyết tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm giữa bối cảnh dịch bệnh lan rộng, ngày 26/2, Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba đã công bố một gói cứu trợ trị giá 120 tỷ HKD (khoảng 15 tỷ USD). Theo đó, Chính quyền Hong Kong quyết định trợ cấp cho người dân từ 18 tuổi trở lên 10.000 HKD (khoảng 30 triệu đồng Việt Nam) tiền mặt nhằm giúp người dân vượt qua tình hình khó khăn về dịch bệnh. Nhưng bà Lau cho biết sớm nhất phải đến tháng 7 tới họ mới nhận được khoản tiền này, từ giờ đến lúc đó những người cao tuổi có thu nhập thấp liệu có chống lại được dịch bệnh hay không?
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội cho rằng COVID-19 chính là một hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở chính quyền Hong Kong cần phải có những chính sách tốt hơn để bảo vệ những người cao tuổi nghèo khó dễ bị tổn thương nhất trong xã hội trước cơn bão dịch bệnh hiện tại và trong tương lai. Tổ chức từ thiện Hong Kong (YWCA) kêu gọi chính quyền tăng nguồn cung nhà ở công cộng, đưa ra khoản trợ cấp một lần cho người nghèo và xem xét mở rộng chương trình trợ cấp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các gia đình. Tuy nhiên, trước mắt, cuộc sống của những người cao tuổi nghèo ở Hong Kong như bà Chan hay Lau thực sự rất bấp bênh, mà trăn trở lớn nhất của họ, là phải giữ cho mình khỏe mạnh để không bị mất việc làm.