Những rào cản ngáng đường

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong trong báo cáo mới nhất đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,6% trong năm nay và năm 2023, thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với dự báo hồi tháng 1.

Tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng được dự báo giảm xuống 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013. Dự báo của IMF cho thấy định chế này đã hạ thấp kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu vốn được nhắc tới nhiều hồi đầu năm nay, thời điểm tình hình dịch COVID-19 dần cải thiện và các quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Chú thích ảnh
Tòa nhà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

"Xung đột (tại Ukraine) sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng lạm phát". Nhà kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định như vậy khi thể chế tài chính này công bố báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế toàn cầu. Căng thẳng Nga-Ukraine cũng được IMF viện dẫn trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất như một yếu tố làm gia tăng rủi ro ổn định tài chính, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc được IMF dự báo sẽ cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch COVID-19. Theo đó, năm nay, Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi Trung Quốc là 4,4%, giảm lần lượt 0,3% và 0,4% so với dự báo hồi tháng 1. Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với dự đoán trước đó.  

IMF cũng dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài và tình trạng này có thể xấu hơn nếu cán cân cung và cầu không được đảm bảo. Theo đó, lạm phát tại các nền kinh tế phát triển ước tính sẽ ở mức 5,7%, các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo hồi tháng 1.

Có thể thấy rõ xung đột giữa Nga và Ukraine đang tạo ra những "cơn gió ngược", gây trở ngại cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau sự tàn phá của dịch COVID-19. Lý do là bởi cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất hàng hóa lớn và sự gián đoạn xuất khẩu ở hai quốc này đã khiến giá cả toàn cầu tăng vọt, đặc biệt là giá dầu và khí đốt tự nhiên. "Cơn bão giá" trên thị trường dầu mỏ với việc giá dầu thế giới liên tục duy trì trên mốc 100 USD/thùng trong thời gian gần đây là một trong những minh chứng rõ nét cho tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay.  

Không chỉ lĩnh vực năng lượng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang dẫn tới một hệ lụy to lớn đối với thị trường lương thực thế giới. Là hai trong số những quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mỳ và lúa mạch mà thế giới đang tiêu thụ. Căng thẳng Nga-Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung cấp lúa mỳ quan trọng nhất thế giới ở khu vực Biển Đen, và đẩy giá mặt hàng này lên mức cao ngất ngưởng. Trong tháng qua, giá lúa mỳ tăng 21%, lúa mạch tăng 33%. Cùng với đó là giá dầu thực vật và giá ngô vẫn đang tăng mạnh, khiến nhiều quốc gia nhập khẩu lương thực đang lo sợ “bóng ma khủng hoảng” tái hiện.

Hệ lụy từ sự gián đoạn nguồn cung ứng cùng với việc giá nhiên liệu và lương thực liên tục "nhảy múa" đang đặt ra sức ép lạm phát lớn đối với nhiều nước. Lạm phát cao vẫn là rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ, làm xói mòn sức mạnh chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng và khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại Mỹ.  

Cũng trong tháng này, lạm phát tại Eurozone tăng lên mức kỷ lục 7,5%, cao hơn nhiều so với dự báo 6,6%, khi xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đẩy giá nhiên liệu và khí đốt lên mức cao kỷ lục. Trong đó, CPI của Đức trong tháng 3 đã tăng lên 7,3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó chạm mức cao nhất của 40 năm. Tại Nga, tỷ lệ lạm phát đã lên đến 16,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015. "Bóng ma" lạm phát cũng đang bủa vây nhiều nền kinh tế ở Mỹ Latinh và châu Á.

Giới phân tích nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế toàn cầu. Thay vì lạm phát chỉ được coi là tạm thời thì tình trạng này sẽ “kéo dài hơn”, có nghĩa là sẽ có tác động lâu dài. Giáo sư Nuria Mas của Trường kinh doanh IESE (Tây Ban Nha) nhấn mạnh khả năng lạm phát đình trệ có thể dẫn đến giảm phát trong trung hạn. Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Javier Diaz Gimenez cũng thuộc IESE cảnh báo rằng khi tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra, “chúng ta sẽ nghèo hơn” và các doanh nghiệp nên chuẩn bị kế hoạch ứng phó cho khả năng này. 

Không chỉ nỗi lo lạm phát, IMF cũng cảnh báo nợ tích lũy của các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới có thể kìm hãm quá trình phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Gánh nặng nợ có thể khiến tăng trưởng ở các nước phát triển giảm 0,9% và ở các thị trường mới nổi giảm 1,3% trong 3 năm tới. Ông Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc phân tích về xếp hạng quốc gia tại hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, nhận định: "Hầu hết mọi quốc gia hiện nay đều có nhiều nợ hơn so với năm 2008 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu".

Đáng chú ý, nhiều chính phủ ở các thị trường mới nổi đang ngày càng gặp khó khăn trong việc thanh toán những khoản nợ cho các chủ nợ nước ngoài. Rất nhiều quốc gia trong số này đã tích lũy hàng núi nợ trong suốt thập niên qua khi lạm phát và lãi suất vẫn ở mức thấp, và đặc biệt trong 2 năm qua khi chi phí liên quan đến đại dịch COVID-19 đang tăng cao. Sau đó, xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá lương thực, năng lượng và nhiều loại hàng hóa tăng vọt. Điều này lại diễn ra đúng thời điểm nhiều ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Hệ quả là giờ đây, từ Paksitan, Ai Cập cho đến Argentina, các quan chức chính phủ đang phải vật lộn với giá nhập khẩu tăng và khối nợ phình to do đại dịch. Gáng nặng nợ chồng chất làm dấy lên những quan ngại về các cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể làm rung chuyển các thị trường cũng như làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước thềm hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và WB, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trên tầm một cuộc khủng hoảng. Hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày một hiện rõ, lan nhanh và rộng tới các nước láng giềng và xa hơn nữa, ảnh hưởng mạnh nhất tới những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Nếu căng thẳng hiện nay không hạ nhiệt và chiến sự vẫn tiếp diễn, tình trạng lạm phát và gánh nặng nợ tại nhiều nước sẽ càng thêm trầm trọng, tạo ra "rào cản" trên con đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Phương Oanh (TTXVN)
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do cuộc khủng hoảng Ukraine
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do cuộc khủng hoảng Ukraine

Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) tháng 4/2022. Theo báo cáo, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo hồi tháng 1/2022, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN