Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky về một lộ trình nhanh chóng để trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã được ghi nhận nhưng đã không được chấp nhận như mong đợi.
EU cũng cam kết áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 10 đối với Moskva trùng với dịp kỷ niệm một năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Dưới đây là một số vẫn đề chính rút ra từ hội nghị trên:
Thứ nhất, cuộc họp lịch sử thể hiện sự ủng hộ của EU đối với Ukraine. Chuyến thăm cấp cao tới Kiev đã chứng kiến 15 Ủy viên châu Âu gặp gỡ những người đồng cấp Ukraine nhằm thể hiện sự ủng hộ mang tính lịch sử. Lần đầu tiên một sự kiện như vậy diễn ra ở một vùng chiến sự.
Hội nghị cũng diễn ra vào thời điểm gần kỷ niệm một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra và Kiev đang tìm cách tăng cường hỗ trợ chính trị và quân sự từ châu Âu.
"Đây là lần đầu tiên EU tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở một quốc gia đang có xung đột. Và thực tế là phần lớn thành viên của Ủy ban châu Âu đã tới Kiev để tham dự sự kiện này. Điều đó là một bằng chứng cho cam kết của EU đối với Ukraine", Camille Grand, cựu quan chức cấp cao của NATO và hiện là thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét.
Thứ hai, không có con đường nhanh chóng để trở thành thành viên EU cho Ukraine. Đúng như dự đoán, kết quả của hội nghị không đáp ứng được yêu cầu của Kiev về một quá trình nhanh chóng hướng tới gia nhập EU. Nhưng các nhà lãnh đạo EU ca ngợi cam kết và tiến bộ của Ukraine cho đến nay.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nói rằng khi đến Kiev rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ "ủng hộ Ukraine từng bước trên hành trình gia nhập EU".
Ukraine đã được trao tư cách ứng cử viên đầy đủ vào năm ngoái và Kiev gần đây cho biết họ hy vọng sẽ trở thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2026.
Tuy nhiên, EU đã không cam kết về bất kỳ thời điểm nào, thay vào đó nhấn mạnh Ukraine cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống tư pháp và củng cố nền kinh tế. Đồng thời, các cuộc đàm phán tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm của Ukraine vào thị trường EU.
Một số quốc gia thành viên EU đã không đồng ý về thông điệp được gửi tới Kiev, trong đó Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập của Ukraine. Nhưng Tổng thống Pháp Macron từng cảnh báo rằng quá trình gia nhập có thể mất "nhiều thập kỷ" và một quan chức cấp cao của EU tuyên bố khối này sẽ không đi chệch khỏi tiến trình của mình.
Tuyên bố chung được công bố vào cuối hội nghị nói rằng EU ghi nhận "những nỗ lực đáng kể" của Ukraine trong việc đạt được các mục tiêu của mình, hoan nghênh những nỗ lực cải cách trong thời điểm khó khăn và khuyến khích việc đăng ký làm thành viên.
Thứ ba, EU sẽ trừng phạt Nga nhiều hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết áp dụng vòng trừng phạt thứ 10 đánh dấu một năm cuộc xung đột nổ ra. Theo bà Leyen, EU và G7 đang đàm phán các chi tiết cuối cùng của kế hoạch áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế được sản xuất tại Nga. Một sáng kiến tương tự đã áp giá trần dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
EU cũng đang xem xét các biện pháp tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Nga bị đóng băng trong 9 gói trừng phạt, bao gồm hàng tỷ euro dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ. Khoản tiền thu được từ tịch thu tài sản nhằm chi trả cho việc tái thiết Ukraine, mà Ủy ban châu Âu ước tính trị giá ít nhất 600 tỷ euro.
Thứ tư, EU cam kết viện trợ nhiều hơn cho Ukraine. EU đã thông báo tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Ukraine sẽ được EU huấn luyện lên 30.000 người trong năm nay và hứa cung cấp 25 triệu euro cho các khu vực rà phá bom mìn do Ukraine tái kiểm soát.
Khối đã dành gần 60 tỷ euro viện trợ cho Ukraine, bao gồm gần 12 tỷ euro hỗ trợ quân sự và 18 tỷ euro để giúp điều hành đất nước trong năm 2022.
"Cùng với hỗ trợ quân sự do các nước thành viên EU cung cấp, tổng hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine ước tính gần 12 tỷ euro", tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị cho biết.