Trước đó, ngày 9/5, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo con tàu chở dầu có tuổi thọ 45 năm này đang bị rỉ sét. Trước đây, FSO Safer được sử dụng làm bể chứa nổi nhưng hiện bị bỏ hoang ở ngoài khơi bờ biển thành phố cảng Hodeidah, dẫn tới nguy cơ bị vỡ. Hiện trên tàu đang có 1,1 triệu thùng dầu thô. Khoản tiền tài trợ 33 triệu USD, được LHQ và Hà Lan phối hợp vận động thông qua hội nghị ngày 11/5, là quá ít so với mục tiêu có được khoảng 80 triệu USD để chi trả cho việc hút 1,1 triệu thùng dầu thô ra khỏi tàu FSO Safer.
Điều phối viên nhân quyền LHQ về Yemen David Gressly nhấn mạnh cam kết tài trợ này đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ nhằm bảo đảm thành công của dự án, trong đó bao gồm nỗ lực vận động khu vực tư nhân. LHQ và các nước sẽ cần nỗ lực để có được khoản hỗ trợ tài chính còn lại, qua đó triển khai chiến dịch ngăn chặn nguy cơ tràn dầu.
Tàu FSO Safer bị mắc kẹt ngoài khơi cảng Ras Isa của Yemen từ năm 2015, khi lực lượng Houthi kiểm soát khu vực này. Từ thời điểm này, con tàu trở thành đối tượng tranh chấp quyền sở hữu giữa Houthi và Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. Sau 5 năm neo đậu và không được bảo dưỡng, con tàu này dần xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Gressly, nếu tàu FSO Safer bị vỡ thì tác động của vụ tràn dầu này "sẽ rất thảm khốc", ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Các quan chức LHQ ước tính cần chi tổng cộng 144 triệu USD cho toàn bộ hoạt động làm sạch, trong đó dành 79,6 triệu USD cho giai đoạn khẩn cấp ban đầu để bơm dầu độc hại sang một tàu thay thế tạm thời khác.