Theo đài RT, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy tổng nợ nước ngoài của Nga là 453,5 tỷ USD tính đến ngày 1/4. Con số này đã giảm 26,5 tỷ USD, tương đương 5,5%.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Chỉ số này thay đổi chủ yếu do nợ nước ngoài trong các lĩnh vực giảm”.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, nợ nước ngoài của khu vực tư nhân (ngân hàng và các lĩnh vực khác) đã giảm 16,2 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022, xuống còn 367,4 tỷ USD. Số liệu cho thấy nợ của các cơ quan quản lý nhà nước và Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm 10,3 tỷ USD xuống còn 86,1 tỷ USD.
Trước đó, vào quý 4/2014, nợ nước ngoài theo quý của Nga giảm kỷ lục 81 tỷ USD sau khi phương Tây áp đặt trừng phạt Nga và giá dầu giảm sau đó. Nợ nước ngoài của Nga tiếp tục giảm trong ba quý liên tiếp sau đó. Tuy nhiên, mức nợ nước ngoài sau đó đã cao hơn đáng kể so với hiện tại, đạt kỷ lục 732,8 tỷ USD tính đến ngày 1/7/2014.
Trong khi đó, bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn có thặng dư tài khoản vãng lai (xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu) cao kỷ lục trong quý 1/2022.Giá năng lượng cao cùng với việc Nga tiếp tục bán khí đốt và dầu trong quý đầu tiên của năm 2022 đã giúp Moskva có thặng dư tài khoản vãng lai cao nhất trong lịch sử gần đây, cho thấy các lệnh trừng phạt của EU đối với nước này chỉ có tác dụng hạn chế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, nước này đã xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 58,2 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 12 tháng qua, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt 157,8 tỷ USD. Đây là mức thặng dư tài khoản vãng lai cao nhất trong vòng một năm trong lịch sử.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga cao dường như là nhờ giá khí đốt và dầu tiếp tục cao, cho phép Nga áp giá cao hơn đối với xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch mà một số nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mua.