Theo tờ Sunday Times, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, thành viên đảng Bảo thủ David Lidington đã có buổi làm việc với các thành viên Công đảng hôm 13/12, cố gắng thành lập một liên minh liên đảng nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Trong khi đó, Chánh văn phòng của Thủ tướng Anh Gavin Barwell tuyên bố tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai là "con đường duy nhất".
Bộ trưởng Lidington và những người ủng hộ ông lên kế hoạch cho các cử tri lựa chọn giữa thỏa thuận được Thủ tướng May đàm phán với phương án Brexit "không thỏa thuận". Tuy nhiên, các quan chức dự kiến Hạ viện Anh sẽ sửa đổi hiến pháp về trưng cầu dân ý để có thể cho thêm vào phiếu bầu khả năng ở lại EU.
Theo bài báo, ý tưởng trên được cho là nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và Bộ trưởng Thương mại, năng lượng và chiến lược công nghiệp Greg Clark. Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Karen Bradley và Bộ trưởng phụ trách Scotland David Mundell cũng ủng hộ ông Lidington.
Bài báo cũng nhấn mạnh rằng, sau cuộc hội thoại mới đây với Thủ tướng Theresa May, cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rằng bà May phản đối cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, song sẽ ủng hộ cuộc bỏ phiếu này nếu được Quốc hội Anh thông qua.
Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon và luật pháp của Anh. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào.
Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Ngân hàng Anh ước tính trong trường hợp này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 8%.