Theo một báo cáo mới được Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm tại Syria đã gây ra "một cuộc chiến âm thầm" khác đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, phá hủy điều kiện sống bình thường của người dân nước này. Và Syria có thể phải mất tới 30 năm để khôi phục nền kinh tế của mình bằng với tốc độ đạt được năm 2010.Người dân Syria sưởi ấm bên đống lửa ở Homs, Syria. Ảnh: IPS
|
Theo báo cáo này, một số lượng rất lớn người dân mất nhà cửa và việc làm đã khiến tình hình kinh tế Syria trở nên nghiêm trọng. "Lượng tiêu thụ sụt giảm 18,8% năm 2012... và giảm tới 47% năm 2013". Theo thống kê sơ bộ, khoảng 2,3 triệu việc làm đã mất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, chủ yếu do những hoạt động kinh tế tại các khu vực đông dân cư bị ngừng lại.
Báo cáo trên được đưa ra ngày 6/11, đúng vào thời điểm quan trọng khi mà lãnh đạo các nước đang cố gắng tổ chức hội nghị hòa bình “Geneva 2”, nhằm đưa ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đẫm máu khiến ít nhất 100.000 người chết tại Syria.
Ngay cả khi hội nghị trên có diễn ra và các bên có thể tìm được một giải pháp chính trị, thì theo các chuyên gia, ảnh hưởng kinh tế xã hội của cuộc nội chiến tại đây vẫn sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Theo Alex Pollock, giám đốc Bộ phận Tài chính Vi mô của UNRWA, Syria vẫn phải mất tới 30 năm để khôi phục nền kinh tế của mình bằng với tốc độ đạt được năm 2010.
Ảnh hưởng về kinh tế đối với Syria chưa phải là câu chuyện duy nhất. Cuộc nội chiến đã phá hủy nhiều yếu tố phúc lợi xã hội quan trọng, gồm giáo dục, y tế và nhà cửa. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực đối với tốc độ phát triển xã hội của Syria.
Tính tới tháng 7/2013, gần 3.000 trường học tại Syria đã bị phá hủy toàn bộ hoặc một phần. Rất nhiều trong số này nếu còn dùng được cũng trở thành nơi lánh nạn và trú ẩn tạm thời cho những người dân mất nhà cửa. Tỷ lệ trường học ít ỏi còn lại cũng có thể dẫn tới tình trạng khủng hoảng giáo dục sâu sắc, và có thể là tai họa đối với Syria: tính tới quý II năm 2013, đã có 49% trẻ em Syria thất học.
Trong lúc các trường học đang dần biết mất, thì các cơ sở y tế cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Báo cáo trên ước tính hơn 40% bệnh viện của Syria đã ngừng hoạt động. Tình trạng này sẽ khiến người dân Syria gặp khó khăn cả trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế cơ bản, chứ đừng nói là các bệnh hiểm nghèo.
Lê Hoàng (theo IPS)