Dù bỏ lỡ cơ hội là một phần trong chuyến đi gần đây của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tới bang Arizona với những cuộc hội ngộ trong nước mắt và nụ cười cùng các cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn tin rằng mình sẽ có dịp được gặp, hay ít nhất là được trực tiếp nghe họ chia sẻ về những ký ức không bao giờ quên trong quãng thời gian phục vụ quân đội tại chiến trường Việt Nam, những hậu quả về tinh thần dai dẳng của cuộc chiến vẫn đang tiếp tục ám ảnh họ từng ngày mà không dễ gì có thể vượt qua được. Và trên hết, đó là những tình cảm tốt đẹp, những việc làm cụ thể của những người từng đứng bên kia chiến tuyến nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam. Với tôi, ngày đó đã đến sau thời gian kiên nhẫn chờ đợi và một lần nữa trái tim tôi lại tràn ngập cảm xúc khi nghe tiếng nấc nghẹn của người cựu binh Mỹ năm xưa trải lòng.
Hình ảnh về ông, Nghị sĩ Noel Campbell, người từng tham gia cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, trong câu chuyện nhiều cảm xúc của Đại sứ Hà Kim Ngọc luôn ám ảnh và làm tôi xúc động. Đó là người lính sau 52 năm vẫn chưa vượt qua được những rào cản trong tâm hồn và không dám quay trở lại Việt Nam, đó là người đàn ông “với khuôn mặt tái đi, mắt đỏ hoe, ngấn nước, môi run run, cứ đứng vậy, không cất lên lời” khi ông nhắc đến Việt Nam và gặp lại người Việt Nam trong nước đầu tiên. Vì vậy, tôi quyết định viết thư cho ông với hy vọng được nghe ông, một nhân chứng của lịch sử, chia sẻ câu chuyện về chính cuộc đời ông kể từ khi tham gia chiến tranh tại Việt Nam nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất dất nước và năm kỷ niệm lần thứ 25 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Trong cuộc gọi điện thoại với tôi vào một buổi chiều muộn cuối tháng Tư, một lần nữa ông Campbell lại bật khóc khi nhắc lại những tháng ngày ông tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Tiếng nấc nghẹn nhiều lần của ông khiến tôi hiểu được những cảm xúc chất chứa lâu nay trong sâu thẳm tâm hồn ông.
Ông Campbell cho biết ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Phoenix, bang Arizona, trong một gia đình viên chức thực thi pháp luật. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học bang Arizona với bằng Cử nhân Khoa học về kinh doanh vào năm 1965, ông tham gia hai chương trình huấn luyện của Hải quân Mỹ và trở thành phi công của Hải quân Mỹ. Năm 1967, khi cuộc chiến tại Việt Nam trở nên khốc liệt, ông đã tình nguyện sang Việt Nam và năm 19, ông tham gia phi đội bay chiến đấu Seawolves, hỗ trợ cho đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, lực lượng đặc nhiệm dưới nước và lực lượng đặc biệt của quân đội, trong việc tuần tra trên các kênh rạch và đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quãng thời gian 1 năm tại Việt Nam, ông Campbell chưa bao giờ hỏi lý do mà ông cũng như những người lính Mỹ khác có mặt tại Việt Nam cũng như không nghĩ được rằng mỗi quốc gia đều phải có chủ quyền dân tộc cũng như ước vọng của riêng mình. Nhưng sau cuộc chiến, ông mới nhận ra một sự thật: Nước Mỹ đã mắc một sai lầm khủng khiếp và ông là một phần của sai lầm đó.
Người cựu binh thừa nhận: “Tôi tự hào khi phụng sự cho tổ quốc tôi và làm nghĩa vụ của tôi, nhưng những gì mà tôi đã làm đối với Việt Nam là một sai lầm”.
Điều đó ám ảnh ông trong suốt thời gian dài, cho tới cuộc gặp gỡ với Đại sứ Hà Kim Ngọc tại Arizona, khi ông có thể giãi bày những ký ức thời chiến, về những điều ông đã phải làm trong cuộc chiến, những điều khiến ông day dứt và đau đớn không thể nào quên sau 52 năm. Ông từng mong ước ông và những người lính Mỹ đã có thể làm khác những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Nhớ lại quãng thời gian ở chiến trường Việt Nam, Nghị sĩ Noel Campbell chia sẻ ông chưa bao giờ quên vẻ đẹp của miền Nam Việt Nam, cũng chưa bao giờ quên vùng đồng bằng sông Cửu Long, quên thành phố mà ông đã đặt chân tới và những con người mà ông từng tiếp xúc. Với ông, không có gì hạnh phúc hơn khi người Mỹ nhận ra những sai lầm trong quá khứ và khi ông có thể hy vọng về một mối quan hệ hòa bình, tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt khi cố Thượng nghị sĩ John McCain có chuyến thăm tới Việt Nam, người đã trở thành một trong những trụ cột thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ với tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Ông Campbell bày tỏ vui mừng khi bang Arizona đang xúc tiến thành lập văn phòng đại diện thương mại của bang tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy thành phố Phoenix trở thành thành phố kết nghĩa với một thành phố của Việt Nam, cũng như khi thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Những người như ông đang nỗ lực hết sức để ủng hộ và góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương, kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam nói chung và với bang Arizona nói riêng, vì một tương lai tương sáng hơn cho mối quan hệ giữa hai nước, giúp cho người dân hai nước có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không giấu được nỗi nghẹn ngào xúc động, người cựu binh Mỹ chia sẻ rằng ông mong muốn những điều tốt đẹp nhất, sự thịnh vượng, hòa bình và may mắn đến với tất cả người dân Việt Nam và đất nước Việt Nam, nơi ông đã để lại một phần tâm hồn ở đó.