Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com, NATO cũng thảo luận chi tiết với Kiev về một chương trình hỗ trợ máy bay chiến đấu tiềm năng, đào tạo phi công Ukraine và mở các trung tâm sửa chữa thiết bị quân sự phương Tây dưới hình thức nhóm hỗ trợ Ukraine, trước khi tổ chức cuộc thảo luận chỉ dành cho các thành viên NATO.
Cuộc họp diễn ra khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công trước các lực lượng Nga. Cuộc xung đột đang gây căng thẳng cho kho dự trữ thiết bị quân sự của các thành viên NATO, buộc họ phải thay đổi kế hoạch phòng thủ.
Cuộc họp cấp bộ trưởng lần này là cuộc họp cuối cùng để các thành viên đưa ra lập trường chính trị cấp cao trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO mang tính bước ngoặt vào tháng tới tại Vilnius, Litva.
Ông Stoltenberg cho biết vấn đề tiếp theo là một cuộc chiến về hậu cần và do đó, điều cần thiết là các thành viên NATO có thể duy trì và đẩy mạnh nỗ lực.
Theo Tổng Thư ký NATO, liên minh này sẽ phải bổ sung kho dự trữ vốn đã cạn kiệt phần lớn thông qua việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự cần thiết kể từ khi xung đột bắt đầu.
Điều này xảy ra sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng của hầu hết các thành viên NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đây cũng là lần đầu tiên cuộc họp sẽ bao gồm các cuộc đàm phán với những người đứng đầu 20 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới.
Cuộc thảo luận của các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ tập trung vào cách thúc đẩy sản xuất loại đạn mà liên minh này gọi là "mang tính quyết định", bao gồm đạn pháo 155mm mà lực lượng vũ trang Ukraine bắn hàng nghìn viên mỗi ngày.
Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết ông hy vọng các bộ trưởng sẽ đồng ý vào ngày 16/6 về các mục tiêu mới liên quan đến dự trữ đạn dược sau một thông báo mà ông đưa ra hồi tháng 2 vừa qua.
Mục tiêu của cuộc họp là “thảo luận trực tiếp về cách tốt nhất để tăng cường sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng và loại bỏ các rào cản đối với quá trình sản xuất”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên, khi liên minh tìm cách tạo ra một kế hoạch hành động để thúc đẩy sản xuất.
Các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến cũng sẽ tranh luận về tương lai của cam kết dành 2% GDP hàng năm cho quân sự.
Ông Stoltenberg đề xuất với các quốc gia thành viên rằng cam kết 2% GDP được coi là “mức sàn” thay vì “mức trần”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên NATO đều đồng quan điểm về vấn đề này vì Đông Âu và Mỹ có nhiều tham vọng hơn và đang thúc đẩy mức 2,5% GDP để tất cả các thành viên tăng chi tiêu, ngay cả những nước đã đạt được mục tiêu 2% GDP.
Những quốc gia khác – chẳng hạn như Đức, Italy và Canada – cho rằng mục tiêu chi tiêu 2% GDP không phản ánh gánh nặng mà họ phải chịu để bảo vệ khu vực xuyên Đại Tây Dương hoặc đơn giản là quá lớn so với nền kinh tế.
Kế hoạch phòng thủ mới
Các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng dự kiến sẽ "bật đèn xanh" cho các kế hoạch phòng thủ và răn đe mới của liên minh, mà các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý sửa đổi vào năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, chuyển từ chính sách ngăn chặn sang chính sách "tripwire" (tạm dịch: triển khai các lực lượng vũ trang có giới hạn tới các khu vực căng thẳng địa chính trị).
Điều mới lạ là các kế hoạch mới sẽ bao gồm các giải pháp và nhu cầu dựa trên khu vực. Các thành viên NATO sẽ cam kết cung cấp nhân sự và trang thiết bị cho liên minh nếu chiến tranh xảy ra. Lực lượng này có thể được triển khai nhanh chóng và một phần gần như ngay lập tức.
Các cam kết chính thức của mỗi đồng minh NATO dự kiến sẽ diễn ra tại một hội nghị vào tuần tới, sau khi các bộ trưởng quốc phòng thông qua chúng và trước khi các nhà lãnh đạo NATO gặp mặt vào tháng tới.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các cam kết có ngay lập tức phù hợp với mục tiêu 300.000 quân sẵn sàng chiến đấu cao mà NATO cần để bảo vệ liên minh hay không.