Đây là kết luận trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Australia tiến hành và công bố ngày 13/1.
Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu hệ hô hấp Wal-yan của Australia đã quan sát tác động của nồng độ CO2 cao hơn ở chuột thí nghiệm và phát hiện sự phát triển chức năng của phổi ở những con chuột non bị hạn chế. Nhà nghiên cứu Alexander Larcombe cho hay tác động bao gồm làm biến đổi túi phổi - phần quan trọng của lá phổi, có nhiệm vụ trao đổi khí - do đó dẫn tới khó thở. Ngoài ra, nồng độ CO2 cao hơn cũng làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của phổi. Những biến đổi trên khiến phổi không hoạt động được đủ chức năng.
Theo giải thích của ông Larcombe, con người đã tiến hóa để có thể hít thở CO2 trong khí quyển với nồng độ 300 ppm, song nồng độ hiện nay vào khoảng 400 ppm.
Căn cứ giả định nồng độ CO2 hiện nay tăng gấp đôi trong vòng 100 năm tới, nhóm nghiên cứu đã cho chuột thí nghiệm tiếp xúc với nồng độ CO2 ở mức 900 ppm vào các thời điểm khác nhau: khi thai nghén, mới sinh và bắt đầu trưởng thành. Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên nhận thấy ở những con chuột chỉ tiếp xúc với nồng độ khí CO2 cao hơn trong thời kỳ trưởng thành, phổi không có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Theo các nhà nghiên cứu, có thể là do phổi của chuột trưởng thành đã hoàn thiện.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Caitlin Wyrwoll, cho biết công trình này cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc nồng độ khí CO2 cao hơn trong không khí có thể ảnh hương đến sự phát triển của phổi. Tuy nhiên, cần tiến hành nghiên cứu thêm để hiểu rõ những tác động đối với sức khỏe toàn diện của trẻ nhỏ trong tương lai. Bà nhấn mạnh phổi là cơ quan đầu tiên trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi nồng độ CO2 và biểu hiện ở phổi cho thấy các cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng.