Nóng trong tuần: Biển Đỏ 'nóng rực' sau các cuộc không kích Houthi của Mỹ; 'Phát súng lệnh' Iowa mở màn bầu cử Mỹ

Tuần qua nổi lên một số sự kiện quốc tế đáng chú ý như Mỹ-Anh dồn dập tấn công Houthi, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, bầu cử Mỹ mở màn với cuộc họp kín bang Iowa và các vấn đề toàn cầu được nêu bật trong Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Hội nghị DAVOS khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu

Chú thích ảnh
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende phát biểu bế mạc hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ ngày 19/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thuỵ Sĩ), các nhà lãnh đạo thế giới đã tham gia hơn 450 phiên họp và thảo luận về nhiều chủ đề đang được quan tâm hiện nay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu.

Hội nghị thường niên năm nay của WEF có sự tham dự của gần 3.000 nhà lãnh đạo thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, từ hơn 120 quốc gia.

Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", hội nghị tập trung vào 4 ưu tiên chính, gồm tăng cường hợp tác trong một thế giới ngày càng phân mảnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm trong thời kỳ mới, các biện pháp đưa AI trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội và thiết lập chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.

Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Chủ tịch WEF Borge Brende kêu gọi xây dựng lại niềm tin trong bối cảnh thế giới ngày càng rạn nứt và phân cực. Hội nghị được xem là một nền tảng quan trọng trong việc khơi dậy "tinh thần đoàn kết" trên toàn cầu, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các mối quan hệ đối tác hướng đến hành động.

Trong các phát biểu tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại về tình trạng phân mảnh toàn cầu và những thách thức hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng tình trạng này là một trong những thách thức đối với thế giới hiện nay.

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, tại một phiên thảo luận ngày 19/1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho rằng nền kinh tế thế giới đang chứng kiến những "bất thường" mới kể từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế thế giới cũng đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực như chỉ số lạm phát ở một số nước đã có chiều hướng giảm, trong khi hoạt động thương mại đã bắt đầu tăng trở lại sau khi gián đoạn và sụt giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2021-2022.

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận tại WEF năm nay. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề cập những nguy cơ từ AI, cảnh báo những hiểm họa khó lường nếu công nghệ này không được kiểm soát. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố bản đánh giá cho rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và có khả năng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và người lao động trong các quốc gia.

Bán đảo Triều Tiên ‘sôi sục’ sau vụ thử tên lửa nhiên liệu rắn của Bình Nhưỡng

 

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn ngày 14/1/2024. Ảnh: KCNA/TTXVN

Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa gia tăng sau khi trong tuần, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) và thử nghiệm quan trọng hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước "Haeil-5-23". Các vụ thử nghiệm đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Hàn Quốc và các đồng minh.

Ngay sau cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm nay, Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức cuộc tập trận hải quân hỗn hợp trong các ngày từ 15-17/1. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tham gia cuộc tập trận hỗn hợp có 9 tàu chiến, bao gồm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ và các tàu khu trục lớp Aegis của Hàn Quốc và Nhật Bản. Giới quan sát quân sự nhận định đây là một trong những cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất từ trước đến nay giữa ba nước nói trên.

Ngày 17/1, Phó Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Triều Tiên Jung Pak đã có cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, tham vấn và phối hợp phản ứng liên quan các hành động của Triều Tiên. Cùng ngày, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc (MOIS) tuyên bố tiến hành kiểm tra đặc biệt khẩn cấp các cơ sở phát sóng và sơ tán sau các hoạt động pháo kích gần đây của Triều Tiên ở khu vực biên giới phía Tây nhằm có thể nhanh chóng thông báo diễn biến tình hình cho người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Mới đây nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố hủy bỏ cam kết lâu dài về tiến trình hòa bình thống nhất với Hàn Quốc, đồng thời sửa đổi lại Hiến pháp của Triều Tiên để loại bỏ ý tưởng về việc tiến tới một quốc gia thống nhất giữa hai miền Triều Tiên vốn bị chia cắt kể từ sau chiến tranh liên Triều. Nước này cũng quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều.

Trong một diễn biến riêng rẽ, phái đoàn Chính phủ Triều Tiên do Bộ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui dẫn đầu đã đến Moskva ngày 14/1 trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Ông Lavrov tuyên bố Nga luôn ủng hộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc và đánh giá rất cao lập trường tương tự của Triều Tiên trong việc ủng hộ các quan điểm của Nga.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cũng ca ngợi tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới miền Đông nước Nga vào tháng 9/2023. Bà Choe Son Hui xác nhận Tổng thống Vladimir Putin đã được mời đến thăm Triều Tiên và Bình Nhưỡng hy vọng sẽ tăng cường trao đổi các phái đoàn cấp cao với Nga trong năm 2024.

Biển Đỏ “nóng rực” sau các cuộc không kích Houthi của Mỹ

Chú thích ảnh
Tàu khu trục USS Cole của Mỹ bị hư hại nghiêm trọng sau một vụ tấn công liều chết trên Vịnh Aden. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính từ đêm 11/1 đến ngày 20/1, các lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện tổng cộng 6 vòng không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi, lực lượng hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa và hầu khắp miền bắc Yemen. Cuộc oanh kích nhằm trả đũa các cuộc tấn công quấy phá của lực lượng Houthi vào các tàu hàng cũng như tàu hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đỏ, gây tê liệt hoạt động tại một trong những tuyến vận tải toàn cầu then chốt.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENCTOM) khẳng định các cuộc không kích là hành động "tấn công tự vệ" nhằm bảo vệ tàu hàng và tàu chiến Mỹ ở vùng biển trước "mối đe dọa hiện hữu".

Ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã đưa lực lượng Houthi tại Yemen trở lại danh sách khủng bố, qua đó sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, nhằm mục đích cắt nguồn tài trợ và vũ khí của nhóm này. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/2 tới.

Tuy nhiên, lực lượng Houthi tỏ ra lỳ đòn trước các cuộc không kích và tự tin duy trì phần lớn khả năng tấn công các tàu trên Biển Đỏ. Chỉ vài giờ sau khi Mỹ tung đòn không kích phủ đầu nhằm vào vị trí Houthi triển khai 4 tên lửa đạn đạo chống hạm hôm 16/1, lực lượng này phản ứng bằng cách phóng tên lửa tập kích tàu hàng Zografia trên Biển Đỏ. Ngày 17/1, Houthi tiếp tục tấn công tàu chở hàng Genco Picardy, do Mỹ sở hữu và vận hành. Lực lượng này cũng cảnh báo sẽ không ngần ngại nhắm vào tất cả các mối đe dọa ở Biển Đỏ và Biển Arab trong quyền hợp pháp để bảo vệ Yemen và ủng hộ người Palestine trước các cuộc tấn công của Israel ở dải Gaza.

Kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào các tàu đi qua tuyến vận tải hàng hải quốc tế. Những cuộc tấn công đó đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu, buộc một số công ty vận tải biển lớn nhất thế giới phải tránh tuyến đường thường ngày, thay vào đó là kéo dài hành trình thêm vài nghìn kilomet và tốn thêm hàng triệu USD chi phí khi đi qua Mũi Hảo Vọng, châu Phi.

“Phát súng lệnh” Iowa mở màn bầu cử Mỹ

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn 9 tháng nữa mới tới Ngày Bầu cử, nhưng cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ đã thực sự bắt đầu khi “phát súng lệnh” tại bang Iowa đã diễn ra vào tối 15/1 (theo giờ địa phương).

cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, cựu Tổng thống Donald Trump đã vượt qua hai đối thủ gần nhất của mình là bà Nikki Haley - cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đồng thời là cựu thống đốc bang South Carolina và ông Ron DeSantis - Thống đốc bang Florida để giành được đề cử của đảng Cộng hòa.

Kênh truyền hình CNN dẫn kết quả kiểm số phiếu cho thấy ông Trump dẫn đầu với khoảng 51% số phiếu bầu. Theo sau là ông Ron DeSantis (khoảng 21%) và bà Nikki Haley (khoảng 19%). Ứng cử viên về thứ tư tại bang Iowa là tỷ phú Vivek Ramaswamy đã tuyên bố rời khỏi cuộc đua giành lá phiếu đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Iowa là bang đầu tiên của Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa thông qua hình thức họp kín. New Hampshire là bang thứ hai, với cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra vào ngày 23/1. Tiếp đó, đảng Cộng hòa sẽ tổ chức các cuộc họp kín vào ngày 8/2 tại bang Nevada, trước khi tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina vào ngày 24/2.

Về phía đảng Dân chủ, việc nhất quyết giành được những lá phiếu đầu tiên tại bang Iowa đã trở nên không còn quá quan trọng, đặc biệt là sau khi các thành viên đảng ở bang này bất cẩn trong quá trình kiểm phiếu sau các cuộc họp kín năm 2020. Theo hãng tin Reuters, cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này đã bị đẩy lui xuống sau trong quá trình đề cử khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông muốn có nhiều bang thể hiện tính đa dạng hơn, mang tính đại diện tốt hơn để công bố kết qủa bỏ phiếu đầu tiên.

Đảng Dân chủ cũng đã thay đổi cách thức bầu cử sơ bộ, chuyển từ hình thức họp kín sang bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu trực tuyến. Dự kiến, quá trình bỏ phiếu của đảng sẽ chính thức bắt đầu ở bang Nam Carolina vào ngày 3/2, tiếp đến là bang Nevada và New Hampshire. Kết quả bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang Iowa sẽ được công bố vào ngày 5/3 - ngày bầu cử siêu thứ Ba. Trong ngày bầu cử sơ bộ 15/1, đảng Dân chủ vẫn tổ chức họp nhưng chủ yếu thảo luận công việc hành chính và bầu đại biểu đi dự đại hội.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Hội nghị Davos 2024: Chủ tịch WEF nhấn mạnh tinh thần đoàn kết toàn cầu
Hội nghị Davos 2024: Chủ tịch WEF nhấn mạnh tinh thần đoàn kết toàn cầu

Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) đã kết thúc vào ngày 19/1, khép lại 5 ngày thảo luận sôi nổi về nhiều chủ đề đang được quan tâm hiện nay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN