Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Mỹ
Ngày 24/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thực hiện chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm, đồng thời cũng đánh dấu mốc 70 năm kể từ khi Washington và Seoul thiết lập quan hệ đồng minh (tháng 10/1953).
Đây cũng là lần thứ 6 Tổng thống Hàn Quốc gặp Tổng thống Mỹ trong vòng một năm qua. Điều này cho thấy quan hệ giữa Seoul và Washington đang rất gần gũi và nồng ấm, nhất là khi hợp tác song phương tiếp tục phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh đây là “liên minh thành công nhất trong lịch sử”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 26/4, Tổng thống Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Biden đã thông qua “Tuyên bố Washington”. Tuyên bố nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ - Hàn được khởi đầu từ quan hệ đối tác an ninh đã phát triển và mở rộng thành một liên minh toàn cầu, làm phong phú thêm hợp tác kinh tế và thúc đẩy tiến bộ công nghệ.
Để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh, Tổng thống Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cam kết phát triển mối quan hệ hợp tác an ninh bền chặt và khẳng định cam kết mạnh mẽ theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn. Hai bên cam kết vì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như các biện pháp chung để hiện thực hóa mục tiêu cơ bản đó.
Tuyên bố chung cũng khẳng định bên cạnh các bước tăng cường răn đe mở rộng, cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn kiên định theo đuổi đối thoại và ngoại giao với Bình Nhưỡng mà không có điều kiện tiên quyết, như một phương tiện để thúc đẩy mục tiêu chung là đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng tuyên bố thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) mới để tăng cường khả năng răn đe mở rộng, thảo luận về kế hoạch chiến lược và hạt nhân, đồng thời quản lý mối đe dọa từ phía Triều Tiên đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Ukraine điện đàm
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại nước này.
“Tôi đã có cuộc điện đàm kéo dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo hôm 26/4.
Ông Sergiy Nykyforov, người phát ngôn của Tổng thống Zelensky, cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi qua điện thoại kéo dài gần 1 giờ.
Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình nói với ông Zelensky: “Đối thoại và đàm phán là lối thoát khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Ông Tập Cận Bình cũng xác nhận Trung Quốc sẽ cử một đại diện đặc biệt đến Ukraine và các nước khác để tiến hành trao đổi với tất cả các bên nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phản ứng trước cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình và ông Zelensky, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva ghi nhận việc Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực thiết lập một tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, bà Zaakharova nói thêm rằng Ukraine và phương Tây đã cho thấy họ có khả năng làm rối tung bất kỳ sáng kiến hòa bình nào.
Về phần mình, Mỹ hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Zelensky, nhưng cho rằng còn quá sớm để nhận định liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine hay không.
“Chúng tôi nghĩ rằng cuộc điện đàm này là một điều tốt”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Eric Mamer cho rằng cuộc điện đàm là bước đầu tiên quan trọng của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bà Rorry Daniels, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á có trụ sở ở New York (Mỹ), bình luận cuộc điện đàm dường như đã đặt nền móng cho liên lạc thường xuyên hơn giữa các quan chức Trung Quốc và Ukraine.
“Trung Quốc muốn cho châu Âu thấy rằng họ có thể đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong các vấn đề quan trọng nhất đối với người dân châu Âu. Đồng thời, Bắc Kinh muốn thể hiện rằng họ đã sẵn sàng, thiện chí và có thể làm trung gian cho một tiến trình đối thoại”, bà Daniels nói.
Tình hình xung đột Sudan có nhiều diễn biến mới
Trong tuần qua, tình hình giao tranh ở Sudan vẫn rất nghiêm trọng.
Cụ thể, căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4, khi các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - lực lượng bán quân sự chính ở Sudan - nổ ra tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả thủ đô Khartoum.
Sau nhiều ngày giao tranh, quân đội Sudan và RSF đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn 3 ngày do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian kể từ ngày 24/4, sau đó tiếp tục nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn thêm 72 giờ, kể từ nửa đêm ngày 28/4.
Tuy nhiên, quyền Điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên hợp quốc tại Sudan, ông Abdou Dieng, ngày 27/4 cho biết giao tranh dữ dội giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và RSF vẫn tiếp diễn, khiến cho tình hình nhân đạo ở nước này ngày càng nghiêm trọng, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đạt được.
Theo ông Dieng, các phe tham chiến tại Sudan không tôn trọng một số điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, khiến hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Sudan hiện vô cùng khó khăn. Hiện hàng triệu dân thường Sudan đang rất cần lương thực, chỗ ở, nước sạch và viện trợ y tế. Xung đột vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người khác bị thương, bao gồm cả những người làm công tác nhân đạo.
Bên cạnh đó, tình trạng cướp bóc diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, đặc biệt là tại các nhà kho chứa hàng viện trợ nhân đạo và lương thực. Các cuộc giao tranh đã làm phức tạp thêm tình hình cứu trợ nhân đạo ở nước này.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương sơ tán công dân rời khỏi Sudan. Hàng nghìn dân thường Sudan cũng chạy trốn sang các nước láng giềng Ai Cập, Chad, Ethiopia hoặc Nam Sudan để tránh xung đột. Một số nhân viên của Liên hợp quốc còn lại ở Sudan đã di tản đến thành phố Port Sudan từ thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất và tình hình an ninh đặc biệt nguy hiểm và khó lường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tái tranh cử
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/4 chính thức thông báo kế hoạch tái tranh cử tổng thống năm 2024, trong bối cảnh vẫn còn 20 tháng tại nhiệm.
Trong đoạn video dài 6 phút xác nhận tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ông Biden mong muốn cử tri cho ông thêm thời gian để “hoàn thành công việc” ông bắt đầu kể từ khi tuyên thệ vào Nhà Trắng.
Dù cuộc đua Nhà Trắng năm 2024 mới đang ở giai đoạn đầu và các chiến dịch tranh cử có thể thay đổi chóng vánh, nhưng những diễn biến đến lúc này cho thấy có khả năng ông Biden sẽ tái đấu với cựu Tổng thống Donald Trump như năm 2020.
Theo giới chuyên gia, cuộc đối đầu lần hai này có thể quyết định cách Mỹ hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga hay hướng đi của Washington trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như việc Mỹ làm thế nào để cân bằng chi tiêu cho quốc phòng và đối nội với các chính sách kinh tế tại thời điểm lạm phát cao.
Trong khi ông Trump đang dẫn đầu đường đua giành đề cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Biden phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tuổi tác. Hiện đã là tổng thống đương nhiệm già nhất trong lịch sử Mỹ ở tuổi 80, ông Biden sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai nếu ông giành chiến thắng năm 2024.