Israel-Hezbollah ngừng bắn, bất ổn gây nghi ngại ở Syria
Trong hai tháng qua, âm thanh duy nhất ở thành phố lớn thứ hai tại miền Nam Liban - Nabatieh chỉ là tiếng vo ve của thiết bị bay không người lái Israel trên cao và tiếng nổ vang trời của các cuộc không kích. Một ngày sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực, thiết bị bay không người lái biến mất và Nabatieh tràn ngập tiếng búa cùng tiếng máy xúc xử lý đống đổ nát từ các con phố bị chặn. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở các thành phố và thị trấn lớn khác ở miền Nam Liban.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 27/11 đã chấm dứt hơn một năm bạo lực nổ ra kể từ khi Hezbollah tấn công Israel vào ngày 8/10/2023. Từ tháng 10/2023 đến nay, Israel đã khiến 1,2 triệu người ở Liban phải di dời và 3.7 người tử vong, hầu hết trong số họ qua đời trong hai tháng gần đây.
Trước đó, ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron thông báo Israel và Liban đã chấp thuận đề xuất của Washington về lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah.
Văn phòng Thủ tướng Israel chưa công bố phiên bản chính thức của thỏa thuận, nhưng một phiên bản tiếng Arab đã được đăng trên trang Facebook của Hội đồng Bộ trưởng Liban. Theo thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Israel sẽ rút khỏi miền Nam Liban, trong khi Hezbollah sẽ rút lui về phía Bắc Sông Litani, chấm dứt sự hiện diện của họ ở dọc biên giới phía Nam sông Litani. Điều này sẽ mất 60 ngày, và quân đội Liban, sẽ triển khai về phía Nam để giám sát lệnh ngừng bắn.
Thủ tướng Liban Najib Mikati hoan nghênh thỏa thuận này. Bộ trưởng Ngoại giao Abdallah Bou Habib trước đó cho biết quân đội Liban sẵn sàng triển khai ít nhất 5.000 binh sĩ ở miền Nam Liban khi quân đội Israel rút lui. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã sẵn sàng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành vi vi phạm nào của Hezbollah.
Trong bài phát biểu truyền hình đầu tiên kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, lãnh đạo Hezbollah-ông Naim Qassem vào ngày 29/11 khẳng định: “Sự phối hợp giữa phong trào và quân đội Liban sẽ ở mức cao để thực hiện các cam kết của thỏa thuận. Chúng tôi sẽ nỗ lực… tăng cường khả năng phòng thủ của Liban”.
Nhiều tháng ném bom của Israel đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng ở miền Nam Liban, khiến phần lớn khu vực này không có điện, nước và mạng điện thoại di động. Các quan chức Hezbollah cho biết họ sẽ bồi thường cho tất cả những người có tài sản bị hư hại trong cuộc giao tranh, thông qua hợp tác với chính phủ. Tuy nhiên, một kế hoạch tái thiết cụ thể vẫn chưa được đưa ra.
Đáng chú ý, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ có động thái mới nhằm dẫn đến ngừng bắn ở Gaza trong những ngày tới, sau khi Israel và Hezbollah đạt được thỏa thuận. Trong diễn biến liên quan, một phái đoàn của Phong trào Hồi giáo Hamas đã đến Cairo (Ai Cập) vào ngày 30/11 để thảo luận về tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Dưới đây là video quay từ trên cao cho thấy cảnh tượng tại Nabatieh, Liban sau lệnh ngừng bắn (nguồn: Reuters):
Sau khi Liban đã yên ắng tiếng súng, bất ổn lại nổi lên ở một khu vực khác ở Trung Đông, đó là Syria.
Lực lượng đối lập, do nhóm phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cầm đầu, đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào các thị trấn do chính phủ nắm giữ trong tuần này và vào tối 29/11 đã tiến đến Aleppo, lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Quân đội Syria cho biết họ đang chống trả cuộc tấn công và đã gây ra tổn thất nặng nề cho quân nổi dậy ở vùng nông thôn Aleppo và Idlib.
Tiền thân của HTS là Mặt Trận Nusra. Cả Syria, Nga và nhiều quốc gia khác đều coi HTS là tổ chức khủng bố. Nội chiến bùng phát tại Syria sau các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2011. Nội chiến đã khiến hơn 500.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây tàn phá nặng nề cho cơ sở hạ tầng cũng như các ngành công nghiệp địa phương.
Ông Trump cảnh cáo tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia
Tối 25/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đăng trên tài khoản cá nhân thuộc mạng xã hội Truth Social của mình về kế hoạch áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada. Ông dự kiến triển khai mức thuế này từ ngày 20/1/2025. Tổng thống đắc cử cũng cho biết ông có ý định đánh thêm 10% phí đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích Phố Wall lo ngại rằng các mức thuế quan mới cũng như biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại Mỹ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy lạm phát và gây ra chiến tranh thương mại.
Về phần mình, ông Trump tin rằng việc áp thuế đối với các đối tác thương mại sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm mà việc làm trong ngành sản xuất nội địa đã giảm rất xa so với mức đỉnh năm 1979. Trong một số trường hợp, mức thuế mà Trump áp dụng vào năm 2018-2019 ở nhiệm kỳ đầu đã đạt được mục tiêu đó. Viện Brookings lưu ý rằng có bằng chứng cho thấy việc làm trong các ngành cụ thể có thể đã được thúc đẩy. Ví dụ, mức thuế đối với máy giặt nhập khẩu đã tạo ra 1.800 việc làm mới tại Mỹ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, ông Trump cũng cho rằng thuế suất áp dụng rộng rãi sẽ thuyết phục một số nhà sản xuất nước ngoài mở nhà máy tại Mỹ để tránh thuế nhập khẩu. "Thuế càng cao, thì khả năng các công ty vào Mỹ và xây dựng nhà máy càng tăng ", ông Trump chia sẻ với hãng tin Bloomberg.
Hơn thế nữa, ông Trump cũng coi cảnh cáo về mức thuế quan mới là một cách để hạn chế nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy từ Mexico và Canada. Phần lớn fentanyl trong nước Mỹ được buôn lậu từ Mexico. Mặc dù có khả năng Canada, Mexico và Trung Quốc có thể tăng cường thực thi chống buôn lậu ma túy hoặc nhập cư để tránh thuế quan của ông Trump, nhưng vẫn chưa rõ liệu phương pháp đe dọa này có đạt được mục tiêu đó hay không.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum vào ngày 26/11 nói rằng Mexico có thể trả đũa bằng thuế quan của riêng mình và mô tả ma túy bất hợp pháp là vấn đề của Mỹ. Bà đồng thời cho biết sẵn sàng thảo luận các vấn đề này với ông Trump.
Ngày 29/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh rằng các tuyên bố về thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cần được đánh giá một cách nghiêm túc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ngày 25/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo rằng cả hai nước đều sẽ không được hưởng lợi nếu xảy ra chiến tranh thương mại. Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia "về cơ bản là có lợi cho cả hai bên.
Nhiều nước châu Á lao đao vì thời tiết cực đoan
Trong tuần qua, nhiều quốc gia châu Á đã phải hứng chịu thời tiết cực đoan gây thiệt hại về người và tài sản.
Ngày 28/11, Hàn Quốc trải qua đợt tuyết rơi dày trong ngày thứ hai liên tiếp, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Hàng chục chuyến bay đã bị hủy và ít nhất 5 người đã thiệt mạng do giá lạnh. Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), hôm 27/11, thủ đô Seoul ghi nhận tuyết rơi dày trung bình trong ngày là 16,5 cm. Đây là mức kỷ lục trong tháng 11 kể từ năm 1907, khi bắt đầu ghi chép dữ liệu này.
Các chuyên gia cho rằng đợt tuyết rơi dày bất thường vào tháng 11 này là do nhiệt độ ấm hơn bình thường ở vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên gặp phải luồng không khí lạnh. Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đưa tin nước này cũng đã hứng chịu lượng tuyết rơi dày hơn 10 cm ở một số khu vực từ ngày 26 -27/11.
Ngày 25/11, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) đã ban hành cảnh báo màu vàng do bão tuyết. Hệ thống cảnh báo thời tiết của Trung Quốc gồm 4 cấp được mã hóa bằng màu, trong đó màu đỏ là cảnh báo nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh lam.
Ngoài một số vùng chìm trong tuyết và giá lạnh, một số khu vực ở châu Á lại phải đối mặt với bão nguy hiểm.
Các trường học ở miền Nam Ấn Độ đã đóng cửa và hàng trăm người di chuyển vào đất liền đến nơi trú ẩn trước thời điểm cơn bão mạnh dự báo đổ bộ khu vực này trong ngày 30/11. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ cho rằng bão Fengal sẽ đổ bộ vào bang Tamil Nadu với sức gió duy trì từ 70-80 km/h với nguy cơ lũ lụt cho các khu vực ven biển trũng thấp.
Tính đến 30/11, tình trạng lũ lụt do mưa lớn suốt nhiều ngày qua ở một số tỉnh miền Nam Thái Lan đã khiến 9 người thiệt mạng, hơn 13.000 người khác phải sơ tán và gần 554.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trước diễn biến lũ lụt nghiêm trọng ở miền Nam, Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh các nỗ lực giúp đỡ nạn nhân.
Nhà chức trách Malaysia ngày 29/11 cho biết lũ lụt tại một số bang ở nước này sau các trận mưa như trút nước đã cướp đi sinh mạng của 4 người, khiến hơn 80.000 người sơ tán. Hàng nghìn người đã được huy động đến các bang, để triển khai công tác tìm kiếm và cứu nạn người dân.
Theo Trung tâm Quản lý thảm họa Sri Lanka (DMC), tính đến ngày 28/11, hơn 400.000 người dân nước này đã bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt. Trong vài ngày qua, tại Sri Lanka đã có mưa lớn do một vùng áp thấp ở vịnh Bengal mạnh lên thành bão. Giám đốc DMC Pradeep Kodippili cho biết có 401.707 người dân trên khắp nước này đã phải chịu tác động do thời tiết xấu nghiêm trọng. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt cũng làm 12 người thiệt mạng, trong khi 2 người khác mất tích.
Mua sắm sôi động Black Friday tại Mỹ
Mùa mua sắm cuối năm sắp bước vào giai đoạn sôi động nhất với Black Friday (ngày 29/11), sự kiện mở màn cho cơn sốt mua sắm sau Lễ Tạ ơn vào cuối tuần này.
Sự kiện giảm giá hàng năm này giờ đây không còn tạo ra cảnh chen lấn ở các trung tâm thương mại lúc nửa đêm hay cơn hỗn loạn săn hàng giá sốc như vài thập niên trước. Điều này phần lớn là nhờ sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến.
Để thu hút những khách hàng còn đang lưỡng lự, các nhà bán lẻ đã dành hàng tuần trước đó để “oanh tạc” người tiêu dùng bằng các quảng cáo và ưu đãi sớm.
Theo dự báo của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ và công ty nghiên cứu người tiêu dùng Prosper Insights & Analytics, có khoảng 183,4 triệu người sẽ mua sắm tại Mỹ, bao gồm cả trực tuyến và tại cửa hàng, trong khoảng thời gian từ Lễ Tạ ơn đến Cyber Monday (Thứ Hai điện tử). Trong số đó, 131,7 triệu người dự kiến sẽ mua sắm vào ngày Black Friday (Thứ Sáu đen tối).
Cyber Monday là ngày thứ hai đầu tiên tiếp sau ngày siêu giảm giá Black Friday của tháng 11 hằng năm. Cyber Monday là dịp mà các tín đồ mua sắm trực tuyến mong đợi nhất trong năm để mua được các món đồ với giá rẻ bất ngờ.
Năm nay, các nhà bán lẻ có một mùa mua sắm ngắn hơn, với chỉ 26 ngày giữa Lễ Tạ ơn (năm nay là ngày 28/11) và Giáng sinh (25/12) - ít hơn 5 ngày so với năm ngoái.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ đang phải chịu thêm áp lực từ tâm lý thận trọng của người tiêu dùng, vốn đã mệt mỏi vì lạm phát và không sẵn sàng chi tiêu mạnh tay trừ khi nhận được ưu đãi hấp dẫn.
“Với số ngày mua sắm ít hơn, người tiêu dùng có xu hướng thực hiện các giao dịch mua sắm ngẫu hứng, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ trong mùa lễ,” ông Marshal Cohen, cố vấn cấp cao tại công ty nghiên cứu Circana dự đoán.