Quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn bước vào “kỷ nguyên mới”
Tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra tại Trại David ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự, cũng như nhất trí biến hội nghị ba bên đầu tiên này trở thành một sự kiện thường niên.
Các nhà lãnh đạo đều lên tiếng ca ngợi hội nghị là mốc đánh dấu "kỷ nguyên mới” trong quan hệ đối tác ba bên, đồng thời thông báo một loạt biện pháp nhằm tăng cường hợp tác chung.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản đang hàn gắn quan hệ và cả ba quốc gia đều lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quốc phòng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên.
“Chúng tôi kiên định với quyết tâm duy trì an ninh khu vực, tăng cường cam kết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy thịnh vượng chung”, các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố chung.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ - Nhật - Hàn sẽ đưa hợp tác quốc phòng ba bên lên "mức độ chưa từng có" và ba nước sẽ theo đuổi kỷ nguyên hợp tác mới này. Ông cũng hoan nghênh các nỗ lực mà hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện để giải quyết các vấn đề khó khăn giữa hai nước và với Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng về một tương lai tốt đẹp khi Mỹ - Nhật - Hàn đã thiết lập cơ sở thể chế vững chắc và các cam kết đối với quan hệ đối tác ba bên.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết lãnh đạo ba nước đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu. Ông cũng bình luận rằng nhờ hội nghị thượng đỉnh lần này, mối quan hệ tin tưởng và tín nhiệm giữa ba bên ngày càng sâu sắc hơn.
Ba nhà lãnh đạo cũng công bố một loạt sáng kiến mà họ tin rằng sẽ thể chế hóa hơn nữa mối quan hệ ba bên, trong đó có tổ chức tập trận quân sự hàng năm, thúc đẩy đường dây nóng liên lạc giữa ba nước để đối phó với khủng hoảng, triển khai chia sẻ dữ liệu thời gian thực về cảnh báo tên lửa Triều và thành lập một nhóm làm việc để chống lại các mối đe dọa trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn cũng thảo luận về an ninh kinh tế và cam kết hợp tác về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và ngăn chặn xuất khẩu bất hợp pháp hoặc đánh cắp các công nghệ tiên tiến.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn tại Trại David đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ba nước gặp nhau trong một hội nghị cấp cao độc lập, không phải bên lề một sự kiện quốc tế lớn hơn. Đây cũng là sự kiện ngoại giao đầu tiên kể từ năm 2015 tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ này.
Thảm họa cháy rừng ở Hawaii
Giới chức bang Hawaii của Mỹ cho biết tính đến ngày 18/8 (theo giờ địa phương), số nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy rừng nghiêm trọng bùng phát hôm 9/8 trên đảo Maui đã lên tới ít nhất 114 người. Nhiều khả năng con số này sẽ tăng khi công tác tìm kiếm nạn nhân tiếp tục được triển khai.
Thảm họa cháy rừng tại Maui được coi là một trong những vụ cháy rừng gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ trong hơn 100 năm qua. Thống đốc Hawaii Josh Green ngày 13/8 xác nhận ngọn lửa đã lan rộng với tốc độ cực nhanh, lên đến 1,5km/giờ. Quan chức này cho biết hơn 2.200 công trình đã bị lửa thiêu rụi và 500 công trình khác bị hư hại. Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ USD.
Hiện lực lượng cứu hộ gồm gần 500 người cùng 40 chó nghiệp vụ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp do còn khoảng 1.000 người vẫn còn mất tích. Thảm họa cháy rừng đã thiêu rụi gần như toàn bộ thị trấn du lịch Lahaina hàng trăm năm tuổi. Quá trình tái thiết dự kiến mất nhiều năm và tiêu tốn hàng tỷ USD.
Trong một thông báo đưa ra hồi đầu tuần, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tới thị sát Maui vào ngày 20/8 (theo giờ địa phương). Chuyến thị sát này nhằm đánh giá tình hình thiệt hại cũng như động viên tinh thần các nạn nhân.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng đang được xem xét là do sự cố về thiết bị diện thuộc sở hữu của Hawaiian Electric – một công ty phụ trách cung cấp điện cho 95% người dân trên đảo.
Ngày 17/8, người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui, ông Herman Herman Andaya, đã đệ đơn từ chức trong bối cảnh cơ quan này đang chịu nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó với thảm họa cháy rừng được cho là tồi tệ nhất thế kỷ.
COVID-19 gia tăng song không đáng lo ngại
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 1,5 triệu ca mắc mới trên toàn cầu từ ngày 10/7 đến ngày 6/8, tăng 80% so với cùng giai đoạn trước đó.
Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Mandy Cohen khẳng định mặc dù số ca COVID-19 đang gia tăng ở nước này do biến thể phụ EG.5, song không đáng lo ngại.
“Chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay. Chúng ta đang ở một thời điểm khác”, bà Cohen tự tin nói.
Các chuyên gia cho biết lần đầu tiên sau ba năm, người Mỹ có thể bước vào mùa virus hô hấp mùa đông với ức độ lạc quan nhất định, ngay cả khi số ca mắc COVID-19 đang gia tăng.
Theo dữ liệu của NBC News, số ca mắc và nhập viện do COVID-19 tại Mỹ đang có xu hướng tăng lên trong những tuần gần đây, song vẫn còn cách xa thời kỷ đỉnh dịch trước đây.
Trong khi đó, Giáo sư Christina Pagel, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học cho các trường hợp khẩn cấp (SAGE) của chính phủ Anh, mới đây cảnh báo nguy cơ đợt dịch COVID-19 quy mô lớn sẽ xảy ra vào tháng 9 tới, khi trẻ em quay lại trường học và người lớn đi làm trở lại sau kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, sự bảo vệ của vaccine và những lần mắc COVID-19 trước, nhiều khả năng đợt dịch mới sẽ không khiến số ca nhập viện hoặc tử vong tăng mạnh.
Các chuyên gia y tế cảnh báo những người có nguy cơ mắc bệnh nên cân nhắc việc tiêm nhắc lại bằng các loại vaccine có trên thị trường và việc sử dụng khẩu trang vẫn là một lựa chọn. Những người dễ bị tổn thương khi có các triệu chứng cần đi xét nghiệm ngay để sớm được điều trị bằng thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, giúp giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong.
ECOWAS sẵn sàng can thiệp quân sự ở Niger
Khối khu vực Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố đã sẵn sàng can thiệp quân sự nhằm khôi phục lại hiến pháp và chức vụ cho Tổng thống bị lật độ của Niger.
Ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, cho biết các lực lượng quân sự đã sẵn sàng hành động bất cứ khi nào có lệnh.
“Ngày quan trọng đó cũng đã được ấn định, nhưng chúng tôi sẽ không tiết lộ”, ông Musah tiết lộ với các phóng viên hôm 18/8. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày của các chỉ huy quốc phòng Tây Phi tại thủ đô Accra của Ghana.
Ông nhắc lại rằng ưu tiên của khối này vẫn là khôi phục trật tự hiến pháp trong thời gian ngắn nhất có thể. Tuy nhiên, ECOWAS vẫn sẽ cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Niger.
Ngày 19/8, theo các nguồn tin thân cận với ECOWAS và Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum thông báo với hãng AFP, một phái đoàn ECOWAS đã đến Niger để đàm phán với các sĩ quan quân đội nắm quyền ở nước này sau cuộc đảo chính vào tháng trước.
Tuần trước, ECOWAS đã ra lệnh “kích hoạt” một lực lượng dự phòng trong khu vực để chuẩn bị tiến vào Niger - quốc gia đã bị chính quyền quân sự tiếp quản vào ngày 26/7.
Ông Abdel-Fatau Musah cũng một lần nữa kêu gọi hội đồng quân sự ở Niger trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum cùng gia đình của ông.
Giới chuyên gia nhận định việc điều quân can thiệp vào Niger sẽ là một quyết định khó khăn đối với ECOWAS và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Kịch bản tồi tệ nhất là việc can thiệp quân sự sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khối cũng như gây bất ổn về mặt chính trị do tình trạng chia rẽ trong nội khối, làm leo thang một cuộc xung đột trong khu vực.
Liên hợp quốc thì lo ngại rằng hành động can thiệp quân sự vào Niger cũng sẽ dẫn tới thảm họa nhân đạo, khiến khu vực vốn đã mất ổn định này tiếp tục chìm trong hỗn loạn. Trước cuộc đảo chính, hơn 4 triệu người Niger phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo và tình hình hiện nay thậm chí có thể còn trở nên tồi tệ hơn.