Tháng 8/2016, con hổ Bengal này qua đời ở độ tuổi 20 và trở thành con hổ cái hoang dã sống lâu năm nhất. Dáng vẻ oai phong cùng sức mạnh phi thường của nó đã trở thành một huyền thoại khắp cánh rừng Ranthambore rộng hơn 1.000 km2.
"Nữ chúa" độc nhất vô nhị
Tạp chí National Geographic cho hay Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 2/3 số lượng hổ hoang dã trên thế giới, tức trên 2.200 con. Nhưng Machali là con hổ cái đặc biệt hơn cả. Nhờ sự ngoan cường, không chịu lùi bước trước bất kỳ thử thách nào, con hổ sinh năm 1996 này mạnh mẽ sinh tồn và xứng đáng với danh hiệu chúa sơn lâm nổi tiếng nhất hành tinh. Trong thời gian từ năm 1998 - 2009, Machali đã thu hút vô số lượt khách tham quan, giúp Chính phủ Ấn Độ thu về gần 100 triệu USD.
Ngoài việc sống lâu hơn những con hổ cái hoang dã khác, thường nhiều nhất là 15 năm, Machali còn sở hữu nhiều kỳ tích xứng đáng để dựng thành phim. Nhiều người tin Machali là con hổ được chụp hình nhiều nhất trên thế giới. Hình ảnh của “bà ba mươi” này đã xuất hiện trên vô số tạp chí, tờ báo, ảnh lịch và phim tư liệu. Bộ phim tài liệu dài 50 phút kể về cuộc đời của Machali từng được phát sóng trên kênh National Geographic và Animal Planet. Năm 2012, chuyên mục Natuaral World của đài BBC cũng đã chiếu câu chuyện về Machali dưới nhan đề “Nữ chúa của loài hổ: Thế giới tự nhiên đặc biệt”.
Tên gọi Machali, nghĩa là “cá” trong tiếng Hindi, bắt nguồn từ vệt lông có hình giống như con cá trên mặt của nó. Do thường xuyên xuất hiện gần các hồ nước nên Machali còn có tên là “Quý cô ven hồ”. Sau này, nó cũng được mệnh danh là “Mẹ hổ” và “Nữ chúa Ranthambore”.
Trong số 62 con hổ ở vườn quốc gia, điều khiến Machali trở nên đặc biệt chính là sự thân thiện của nó với con người mặc dù vô cùng hung dữ với đồng loại. Không chỉ hợp tác với ống kính, tự do tự tại hoạt động giữa ban ngày mà nó còn sở hữu những kỳ tích đáng kinh ngạc.
Con hổ cái Bengal này đặc biệt thông minh. Nó biết lắng nghe tiếng động của xe ô tô chở khách tham quan để rình rập săn mồi. Trang web của Vườn quốc gia Ranthambore viết rằng khi được hai tuổi, Machali bắt đầu tự đi săn. Lớn thêm chút nữa, nó thách đấu với mẹ và các anh chị, sau cùng là giành được quyền thống trị vùng rừng rộng lớn nhất của Ranthambore. Ở loài hổ, trận tranh hùng thường xảy ra khi chúng muốn độc chiếm lãnh thổ riêng.
Biểu tượng của sức mạnh và quyền lực
Dù là hổ cái nhưng Machali có sẵn bản tính mạnh mẽ và thống trị. Machali đã đẻ bốn lứa, với tổng cộng 11 con, và điều này là chưa từng có trong thế giới của loài hổ. Bản năng làm mẹ của Machali mạnh mẽ đến nỗi không loài động vật nào ở Ranthambore có thể so bì.
Nó luôn hết mình bảo vệ đàn con của mình trước sự rình rập của những con hổ đực to lớn hơn. Khác với sư tử, hổ đực luôn tìm cách giết chết con non để được giao phối với con mẹ.
Phải nhắc đến trận chiến kỳ phùng địch thủ vào tháng 6/2003 khi Ranthambore bị hạn hán nặng, một con cá sấu dài 4 mét đã tìm đến hồ nước thuộc lãnh thổ của Machali. Phát hiện mối nguy hiểm, nó nhanh chóng đưa con đi lánh nạn rồi quay lại chiến đấu với con cá sấu to lớn gấp đôi mình. Trong hơn một giờ huyết chiến, nó đã bị gẫy hai chiếc răng nanh và chịu nhiều vết thương. Dù vậy, Machali vẫn kiên cường không bỏ cuộc để cuối cùng hạ gục kẻ xâm lược.
Thật khó có thể hình dung làm thế nào mà Machali dù chỉ còn một cái răng nanh và bị giảm rõ rệt khả năng săn bắt nhưng vẫn nuôi nấng được một lứa con đến lúc trưởng thành. Nó cũng đã tồn tại nhiều năm với một con mắt sau lần bị thương khi đánh nhau với một con hổ khác trong rừng. Những năm sau đó, nó mất dần lãnh thổ nên ít xuất hiện tại vùng trung tâm để tránh phải đối đầu với những con hổ trẻ, khỏe hơn. Đó là minh chứng cho thấy “nữ chúa” vô cùng thông minh và biết học cách để thích ứng với tình hình thực tế.
Khoảng 4 năm cuối đời, khi Machali quá già để đi săn, một điều khó tin bắt đầu xảy ra. “Bà ba mươi” này được mọi người yêu quý đến nỗi nhân viên của Vườn quốc gia Ranthambore luôn sẵn lòng chăm sóc cho nó. Các nhân viên bố trí sẵn thức ăn cho Machali để nó không cần phải dốc sức đi kiếm mồi. Bất chấp việc răng nanh đã rụng hết, “nữ chúa” vẫn có
thể giết chết con mồi bị buộc dây bằng bộ hàm khỏe tuyệt vời. Nhiều khách du lịch đã may mắn có cơ hội cho Machali ăn trong những năm tháng cuối cùng của nó.
Đầu năm 2014, Machali bất ngờ biến mất khỏi địa bàn quen thuộc, làm 200 nhân viên bảo tồn phải mở cuộc tìm kiếm. Ròng rã một tháng trời, họ phát hiện “nữ chúa” còn sống trong rừng rậm.
Trước khi chết vì tuổi già, Machali bỏ ăn suốt nhiều ngày. Nó hầu như đã rụng hết răng. Các nhân viên hết sức nỗ lực song vẫn không thể điều trị hay khiến nó chịu ăn trở lại. Ngày 18/8/2016 là một ngày thật buồn đối với Vườn quốc gia Ranthambore. Quá yêu mến “nữ chúa” oai phong của cánh rừng, họ đã tổ chức tang lễ rồi hỏa thiêu nó để tránh bị kẻ săn trộm đào xác đem bán. Dù không còn trên cõi đời nhưng danh tiếng của nó vẫn tiếp tục được lưu truyền. Đàn con của Machali đã giúp gia tăng đáng kể số cá thể hổ trong khu vực, từ 15 con vào năm 2004 lên 50 con vào năm 2014. Thậm chí hơn một nửa số hổ ở đây mang dòng máu của Machali.
Tổ chức Các nhà điều hành hoạt động du lịch cho hổ tại Ấn Độ (TOFTigers) đã trao tặng “Giải thưởng thành tựu trọn đời” cho Machali vì những đóng góp to lớn của nó trong việc bảo tồn loài hổ ở Ấn Độ cũng như cho nền kinh tế địa phương.
Để vinh danh con hổ đặc biệt này, năm 2013, Chính phủ Ấn Độ đã phát hành một bộ phong bì và tem bưu chính riêng in hình của Machali. Bộ phim tài liệu về Machali với tiêu đề “Con hổ nổi tiếng nhất thế giới” cũng giành Giải quốc gia tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 66. Nó còn sở hữu một trang Facebook riêng với khoảng 5.000 người theo dõi.