Nước Bỉ bất ngờ khi Vua Albert II thoái vị

Từ nhiều tuần qua các nhà chính trị Bỉ đã xôn xao trước thông tin về việc Vua Albert II sẽ sớm thoái vị. Nhiều chính trị gia và cả “cận thần” của Vua Albert II đều mong muốn Nhà Vua của họ sẽ tiếp tục ngự trị Ngai Vàng và nắm giữ quyền lực của một nguyên thủ quốc gia, tham dự buổi đại lễ của Vương quốc Bỉ vào ngày Quốc khánh 21/7 tới và đưa ra những quyết định quan trọng lựa chọn người đứng đầu chính phủ trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 25/5/2014. 


Vua Bỉ Albert II (trước) cùng Thái tử Philippe và Công chúa Mathilde tại một sự kiện hồi tháng 6/2013. Ảnh Internet.


Nhưng tất cả mọi mong ước và tính toán của các nhà chính trị đã bỉ đảo lộn. Mọi người đều ‘’sững sờ’’ trước tuyên bố của Albert II về sự thoái vị ngay trước thềm của sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Ngay cả Thái tử Philippe cũng không khỏi đường đột trước quyết định của Vua cha.


Tuy đã chuẩn bị tinh thần cho sự kế thừa ngôi vị của Vua Albert II nhưng Thái tử Philippe không nghĩ lại diễn ra đứng vào thời điểm nhạy cảm của đất nước như vậy. Đúng 18 giờ (giờ địa phương) ngày 03/7, lịch sử nước Bỉ đã sang một trang mới khi Nhà Vua tuyên bố ‘’thoái vị Ngai vàng’’ với lý do duy nhất được công bố là ‘’sức khỏe không cho phép tôi đảm trách tốt cương vị của mình vì vậy tôi  nhường ngôi vị cho con trai tôi, Thái tử Philippe”.


Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cũng không khỏi ngậm ngùi khi tiếp xúc với Nhà Vua trước khi công khai tuyên bố trước nội các, dân chúng và giới truyền thông về sự kiện lịch sử của đất nước.


Chính trường Bỉ đang đứng trước những thách thức mới. Cả nước đều có chung suy nghĩ phải tìm được một nhân vật chính trị có đủ kinh nghiệm, quyền lực cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng đường lối trong thời gian tới. Trong nhiều tháng qua, cả Nhà Vua Albert II và Thủ tướng Elio Di Rupo đã cùng nhau bàn bạc nhiều về đề tài này và đã cùng nhau xem xét, đánh giá về những hậu quả chính trị khi Vua thoái vị và cả việc kế vị của Thái tử Philippe.


Tất cả đều đã rõ ràng vì người kế vị chắc chắn là Thái tử Philippe nhưng dân chúng Bỉ không có chung niềm tin vào nhân vật kế vị Vua Albert II. Quan điểm của người miền bắc nước Bỉ khác với người miền nam. Dưới con mắt của cộng đồng Flamand, dù việc chuyển giao ngôi vị có diễn ra đúng ngày Quốc khánh 21/7 tới đây thì cũng không làm thay đổi lớn tình hình chính trị đất nước. Họ cho rẳng dưới chế độ quân chủ thì sự chuyển giao ngôi vị chỉ là một nghi thức cổ truyền theo đúng nghĩa của nó mà thôi. Một nhà nước quân chủ chỉ làm tốt công việc lễ tân còn những quyết sách thì cần một nhà nước hành pháp.  


Trên cương vị Vua của Vương quốc Bỉ và Nguyên thủ quốc gia nhà nước liên bang, liệu Vua Philippe sẽ có quyết sách mới mang lại tương lai sáng sủa cho Vương quốc Bỉ? Chỉ còn chưa đầy 1 năm là diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Bỉ, vai trò của người đứng đầu nhà nước hết sức quan trọng khi quyết định về mặt lập pháp (do Vua và Quốc hội quyết định), quyết định về quyền hành pháp (Vua và Chính phủ).


Nhà Vua với tư cách là Nguyên thủ quốc gia có quyền phê chuẩn và ban hành các đạo luật, hoặc chống lại các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua, giải tán Quốc hội hoặc một trong hai viện của Quốc hội, triệu tập các kỳ họp bất thường của Quốc hội, chỉ định và bãi nhiễm các Bộ trưởng, ân xá…


Nhìn vào những quyền đó, không ai có thể phủ nhận quyền lực ‘’vô đối’’ của Nhà Vua Philippe dưới chế độ quân chủ đại nghị. Nhưng trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, liệu Nhà Vua Philippe có sáng kiến làm thay đổi vận mệnh của đất nước hay không? Gần 11 triệu cử tri của Vương quốc Bỉ đang mong đợi vào sự ‘’anh minh’’ của vị vua trẻ Philippe./.

                             

                            

Đỗ Hưng (P/v TTXVN tại Bỉ)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN