Tờ Guardian (Anh) ngày 6/11 cho biết, ngay cả khi nhân loại thực hiện hành động tức khắc xử lý khủng hoảng khí hậu thì đến những năm 2300, thế giới vẫn buộc phải giải quyết vấn đề mực nước biển dâng.
Thậm chí, khi các chính phủ thực hiện được đúng cam kết trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015 thì số khí thải thải ra môi trường trong khoảng 15 năm đầu tiên của thỏa thuận vẫn có thể gây ra mực nước biển dâng đến 20 cm trong năm 2300.
Trên thực tế, chỉ có một số nhỏ các quốc gia đang trên đường đáp ứng được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris 2015 theo đó hạn chế mức nhiệt tăng tối đa là 2 độ C.
Ông Peter Clark tại Đại học bang Oregon (Mỹ) đánh giá: “Nước biển dâng sẽ trở thành vấn đề tồn tại trong nhiều thế kỷ. Chúng ta sẽ phải thích nghi. Đó sẽ là phong cách sống đắt đỏ mới, tốn kém hàng nghìn tỷ USD. Vậy ngay cả khi chúng ta tìm cách để hạ nhiệt độ Trái Đất thì nước biển vẫn tiếp tục dâng”.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán mực nước biển dâng tương ứng với mức độ ô nhiễm khác nhau. Họ nghiên cứu cả lịch sử khí thải từ năm 1750 và viễn cảnh khí thải trong thời gian từ 2015-2030 nếu các quốc gia thực hiện đúng thỏa thuận Paris.
Các nhà nghiên cứu cho biết một nửa trong 20cm nước biển dâng là “đóng góp” của 5 nền kinh tế xả khí thải lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Nhà phân tích khí hậu Alexander Nauels – người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy điều chúng ta thực hiện hôm nay sẽ có ảnh hưởng lớn trong năm 2300. Hai mươi cm nước biển là khá lớn, về căn bản đó là mực nước biển dâng trong cả thế kỷ 20 này”.