Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 22/2 tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ Trung Quốc tổ chức cuộc họp năm nay của BRICS và sẵn sàng hợp tác cùng New Delhi và các thành viên khác để tăng cường hợp tác, liên lạc trên nhiều phương diện”.
Tờ Global Times đánh giá phát biểu trên đã thu hút chú ý của truyền thông Ấn Độ. Điều khiến truyền thông Ấn Độ chú ý là mặc dù tồn tại tranh chấp biên giới và nhiều thách thức khác trong quan hệ Bắc Kinh-New Delhi, ông Uông Văn Bân vẫn đưa ra phát biểu trên. Global Times nhận định diễn biến này cho thấy Trung Quốc không muốn để tranh chấp song phương ảnh hưởng tới cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS. Đây là lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh.
Ông Qian Feng tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa phân tích: “Với thay đổi trên toàn thế giới và dịch COVID-19, Trung Quốc sẽ tìm kiếm và mở rộng lợi ích chung với các quốc gia thành viên khác. Trung Quốc vẫn sẵn sàng hợp tác phát triển với các quốc gia BRICS, bao gồm Ấn Độ”.
Ông Qian nói thêm: “Trung Quốc vẫn coi trọng quan hệ Bắc Kinh-New Delhi và vai trò của Ấn Độ với quốc tế, khu vực”.
Các quốc gia thuộc BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là nhóm những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Việc tăng cường hợp tác trong nội bộ BRICS không chỉ đem lại động lực phát triển thêm đối với 5 quốc gia mà còn nâng cao sáng kiến chiến lược của những nước này.
Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức họp đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 10 vào ngày 20/2 và cam kết tuân thủ nhất trí chung của lãnh đạo hai quốc gia. Trung Quốc và Ấn Độ đã rút quân khỏi khu vực hồ Pangong Tso ở biên giới.
Ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đến ngày 19/2 vừa qua, Trung Quốc mới thừa nhận có 4 quân nhân thiệt mạng trong vụ việc tháng 6/2020. Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km.