Kênh CNN (Mỹ) đánh giá động thái này nhằm thực hiện mục đích của Thủ tướng Johnson là đưa Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào cuối tháng 10.
Những chính khách phản đối Brexit không thỏa thuận đã đề nghị chính phủ kéo dài thời hạn Brexit đồng thời tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai nếu đàm phán với EU không đi đến được một thỏa thuận.
Động thái pháp lý liên quan đến yêu cầu này dự kiến được khởi động khi Quốc hội Anh quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè vào ngày 3/9. Trong khi đó, cuộc họp thường niên của các chính đảng Anh sẽ bắt đầu từ 14/9.
Tuy nhiên, việc đình chỉ quốc hội trong 5 tuần của Thủ tướng Johnson khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận chỉ có ít thời gian để chuẩn bị thủ tục cần thiết.
Điều này buộc họ phải chọn kế hoạch dự phòng là tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhưng để cuộc bỏ phiếu đạt được kết quả như phe phản đối Brexit không thỏa thuận mong muốn thì phải có những thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu không ủng hộ đảng của mình. Đây là viễn cảnh khó xảy ra.
Thời gian hết hạn đình chỉ Quốc hội Anh lại trùng ngày tổ chức cuộc họp của Hội đồng châu Âu là 17-18/10. Nếu quay trở về từ sự kiện này kèm theo thỏa thuận Brexit mới, Thủ tướng Johnson có thể còn hy vọng trong 2 tuần đề xuất thỏa thuận Brexit mới với quốc hội trước ngày 31/10.
Tuy nhiên, trong trường hợp đàm phán với EU thất bại và Thủ tướng Johnson đi theo con đường Brexit không thỏa thuận thì mọi thứ lại rất khác. CNN cho biết Thủ tướng Johnson rất tự tin và cho rằng dựa trên kế hoạch của ông, tất cả vấn đề liên quan đến Brexit sẽ đi theo trật tự.