Tôm hùm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của bang Maine (Mỹ). Giống như nhiều người Mỹ có bất cứ hàng hóa gì đó để bán, người Maine được hưởng lợi ích từ những bước phát triển ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc. Hàng chục triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo, bước lên tầng lớp trung lưu, với nhu cầu cao hơn về các nguồn protein hảo hạng, và Maine hân hạnh được là nhà cung cấp.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc, doanh số tôm hùm Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 70%. Đòn thuế trả đũa 25% mà Trung Quốc áp lên tôm hùm Mỹ mới chỉ bắt đầu. Trong khi đó, Bắc Kinh đã chủ động hỗ trợ các chủ cửa hàng và nhà hàng trong nước bằng cách giới thiệu các nhà cung cấp mới với giá rẻ hơn, đương nhiên không phải từ Mỹ.
Trung Quốc chủ động giảm thuế cho tôm hùm nhập từ Canada, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của bang Maine trong ngành công nghiệp tôm hùm. Nhờ đó, Canada bỗng nhiên chứng kiến xuất khẩu tôm hùm của mình tăng gần gấp đôi, trong khi Maine có thể không bao giờ hồi phục được vị trí thống trị trước đây trên thị trường xuất khẩu tôm hùm.
Câu chuyện “tôm hùm Maine” không phải là cá biệt. Tổng thống Trump đã khơi mào chiến tranh thương mại bằng cách áp đặt những mức thuế mới đánh lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD xuất sang Mỹ. Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế đánh lên hàng hóa Mỹ và đồng thời giảm thuế cho tất cả các đối thủ khác của Mỹ trên thế giới. Họ thực hiện cắt giảm thuế lên hàng ngàn sản phẩm thuộc các ngành hải sản, nông sản, và nhiều loại hàng hóa khác đến từ phần còn lại của thế giới.
Theo tờ The Atlantic, trong cuộc thương chiến lần này, Bắc Kinh rõ ràng đang thể hiện một đẳng cấp cao hơn. Họ “chơi” lại nước Mỹ trên hai mặt trận.
Thứ nhất, trong khi Tổng thống Trump đang dần áp đặt thuế lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh chọn cách đáp trả khôn ngoan hơn. Họ đánh mạnh thuế vào đậu tương Mỹ, một phần vì đã biết rõ Brazil và Argentina có thể trở thành nhà cung cấp thay thế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại né trả đũa nhằm vào những ngành hàng mà họ khó khăn để tìm nguồn thay thế. Chẳng hạn, Chính phủ Trung Quốc có thể buộc các hàng hàng không quốc doanh lập tức chuyển từ mua máy bay Boeing sang Airbus của châu Âu, tuy nhiên những công ty này sẽ gặp khó khăn khi cần linh kiện và dịch vụ để duy trì đội phi cơ hiện tại. Vì thế Bắc Kinh cho đến nay cơ bản vẫn tránh trả đũa nhằm vào ngành hàng không Mỹ.
Thứ hai, Tổng thống Trump không có một chiến lược “giảm sốc” thực sự nào để giúp người Mỹ đối mặt với những tổn thất do chính sách cứng rắn của ông. Đúng là Chính quyền Mỹ đã trợ cấp hàng chục tỉ USD cho nông dân, nhưng số tiền đó chính là “xương máu” của người Mỹ, chứ không phải của các đối thủ quốc tế. Chính sách hạn chế thương mại của Tổng thống Trump đánh lên gần 50 tỉ USD nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ chỉ càng làm trầm trọng hơn tổn thất trong cuộc chiến với Trung Quốc; những hạn chế này khiến nông dân Mỹ “nặng gánh” hơn khi phải chi phí tốn kém hơn cho các thiết bị cần thiết để thu hoạch, lưu trữ và bảo quản những nông sản mà lúc này họ không thể xuất ra nước ngoài.
"Nỗi đau" trong ngắn hạn này còn gắn với các tổn thất tiềm tàng trong dài hạn với các mối quan hệ quốc tế vốn tốt đẹp trước đây của Mỹ: Thuế đánh vào nhôm, thép nhập khẩu phần lớn lại nhằm vào các đồng minh của Mỹ như châu Âu, Canada, Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc. Chưa hết, nhà lãnh đạo Mỹ còn kiên quyết tiến hành đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, và đe dọa áp thuế lên hàng chục tỉ USD ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và châu Âu.
Trong khi đó, ngược lại, Trung Quốc đang hỗ trợ công dân của họ bằng cách kết giao với những người bạn mới. Một cách hiệu quả là né hàng hóa nhập từ Mỹ đang tăng giá bằng cách chuyển sang hàng hóa của các nước khác. Tính trung bình, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua được với mức giá rẻ hơn 14% nếu họ chọn hàng hóa từ Canada, Nhật Bản, Brazil hoặc châu Âu thay vì mua hàng Mỹ. Bắc Kinh đang khiến cho người tiêu dùng trong nước cảm thấy xứng đáng hơn để phát triển các mối quan hệ thương mại mới. Và một khi những mối quan hệ mới này đã được gây dựng, người Trung Quốc có thể chẳng cần đến việc quay trở lại với hàng hóa Mỹ.
Khi Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào đầu năm 2018, chiến lược gia thương mại của ông là Peter Navarro từng nói rằng: “Tôi không tin bất cứ quốc gia nào trên thế giới sẽ trả đũa”. Tất nhiên ông Navarro đã sai khi cả kẻ thù (Nga, Trung Quốc) lẫn bạn của Mỹ (EU, Canada, Mexico) đều gần như lập tức trả đũa nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
The Atlantic cho rằng điều đáng lo hơn tuyên bố hùng hồn của ông Navarro là nó đã để lộ ra sự hiểu nhầm căn bản về cách thức thương mại vận hành. Vì thế trong mỗi lần “khiêu chiến”, nước Mỹ sẵn sàng đấu lại bất cứ chính quyền nào lựa chọn đối kháng.
Nhưng Mỹ có thể dễ dàng thua cuộc kể cả khi không có bên nào trả đũa cả. Bất cứ khi nào một quốc gia trên thế giới hạ thuế cho một nước khác không phải Mỹ, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tự động bỏ lại nước Mỹ lùi đằng sau một bước.
Tổng thống Trump đã chọn lựa kết cục này ngay khi ông rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1/2017. Hậu quả là các chủ trại chăn nuôi ở Australia, New Zealand và Canada hiện nay đã tiếp cận được với thị trường thịt bò Nhật Bản “béo bở”, còn người Mỹ thì không. Những "chào mời" tích cực của Bắc Kinh hướng tới các cựu đồng minh kinh tế của Mỹ cho thấy chính sách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành “gậy ông đập lưng ông”.
Trong khi ông Trump tiếp tục đẩy phần còn lại của thế giới ra xa và về phía Trung Quốc, thì Bắc Kinh đang tìm cách lôi cuốn cả thế giới bên ngoài nước Mỹ.