Quyết định của Mỹ liệt tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei và các chi nhánh vào danh sách trừng phạt qua đó cấm các công ty viễn thông của Mỹ tiếp tục cung cấp dịch vụ và sản phẩm của Huawei. Trong vài tháng tới, quyết định này sẽ hạn chế hoặc cắt hẳn quyền tiếp cận của Huawei đối với các linh kiện và phần mềm quan trọng của Mỹ mà họ cần để duy trì tiềm năng phát triển bên ngoài Trung Quốc, do đó về cơ bản sẽ mở rộng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thành cuộc chiến công nghệ nhằm xác định ai sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ 5G.
Hàn Quốc - Ngư ông đắc lợi
Có rất ít quốc gia bỗng dưng được đặt vào vị trí hưởng lợi thế từ lệnh cấm Huawei như Hàn Quốc. Là một trong những nền kinh tế công nghệ hàng đầu thế giới, Hàn Quốc nằm trong số năm quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu công nghệ cao. Họ được hưởng vị trí đặc biệt về cung cấp điện thoại thông minh và những thiết bị mạng mà Huawei có thể phải đối mặt với những thách thức khi bán ra nước ngoài.
Theo tờ The Diplomat, lệnh cấm Huawei được cho là xảy đến vào thời điểm thuận lợi cho Hàn Quốc. Nhu cầu trong nước chậm lại và xuất khẩu sụt giảm đã chứng kiến GDP quý đầu tiên của nước này giảm 0,4%, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bắt đầu gây thiệt hại. Xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay giảm 14,1% và xuất khẩu sang Mỹ có tăng nhưng không tạo sự khác biệt.
Trong số các công ty Hàn Quốc, nhiều nhà quan sát nhìn thấy một cơ hội đặc biệt dành cho Samsung nhờ hưởng lợi từ bản "danh sách đen" có tên Huawei. Tuy nhiên, việc Samsung có thể tận dụng được bao nhiêu còn phụ thuộc vào thời gian các công ty Mỹ bị cấm làm ăn với Huawei.
Là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, Samsung cạnh tranh trực tiếp với Huawei trong các dòng máy cao cấp và trung cấp. Trước lệnh cấm, Huawei đã nhắm mục tiêu đến năm 2020 sẽ đánh bại Samsung để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới. Không có quyền truy cập vào hệ điều hành Android và các ứng dụng của Google, cũng như các thiết kế chip do hãng ARM cung cấp, Huawei có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với Samsung ở bên ngoài Trung Quốc.
Không chỉ triển vọng Huawei vượt qua Samsung về doanh số điện thoại thông minh sẽ bị đẩy lùi, mà một ước tính cho thấy rằng nếu Samsung có thể chiếm được một nửa thị phần của Huawei ở bên ngoài Trung Quốc, họ có thể kiếm thêm 1,13 tỷ USD lợi nhuận. Con số này tương đương với khoảng 14,1% lợi nhuận của bộ phận điện thoại di động Samsung.
Lệnh cấm cũng có thể giúp Samsung trong không gian điện thoại màn hình gấp. Khi Samsung phát triển chiếc phablet (điện thoại lai máy tính bảng) đầu tiên của mình với Galaxy Note, chiếc điện thoại đã tạo ra một không gian thị trường mới, nơi Samsung có thể thu lợi nhuận cho đến khi Apple chuyển sang sản xuất điện thoại lớn hơn.
Điện thoại màn hình gấp có thể là một lĩnh vực tương tự, nơi Samsung được hưởng lợi khi lần đầu tiên ra mắt, nhưng không giống như Galaxy Note, Huawei đã sớm thách thức Samsung trong không gian điện thoại màn hình gấp, với dòng Mate X. Nhưng lúc này, nếu Huawei không còn được phép sử dụng Android làm hệ điều hành cho Mate X, điều đó sẽ tạo cơ hội lớn với Samsung khi loại được đối thủ.
Những khó khăn của Huawei sẽ đặc biệt có lợi cho mảng kinh doanh mạng của Samsung. Trong giai đoạn mạng không dây 4G LTE, mảng này của Samsung không bảo đảm được bất kỳ khách hàng lớn nào cho thiết bị của mình và có vẻ như đây là những thiết bị cần phải sớm bán hết trước kỷ nguyên 5G. Tuy nhiên, Samsung đang đầu tư 22 tỷ USD vào mảng kinh doanh mạng và đặt mục tiêu chiếm 20% thị trường vào năm 2020. Nếu Huawei không thể bán thiết bị của mình ở nhiều thị trường nước ngoài, chắc chắn điều đó sẽ mở ra cơ hội cho Samsung cạnh tranh với Nokia và Ericson là hai nhà mạng 5G chiếm ưu thế.
Và những thách thức đi kèm
Tuy vậy, Samsung sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở bất kỳ cơ hội nào với mạng 5G. Nokia và Ericsson được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Huawei đối với thiết bị mạng 5G, riêng Nokia thậm chí đã tận dụng các mối lo ngại bảo mật với Huawei ngay cả trước lệnh cấm của Mỹ. Trong những tuần gần đây, những nỗ lực của Nokida đã cho phép hãng đẩy lùi cả Huawei trong các hợp đồng mạng 5G.
LG cũng có thể hưởng lợi từ những khó khăn của Huawei. Trong những năm gần đây, khi doanh số Huawei tăng nhanh, LG đã chứng kiến các lô hàng điện thoại thông minh của mình tiếp tục giảm. Trong ba năm qua, bộ phận di động của LG chịu lỗ 2,5 tỷ USD. Lệnh cấm Huawei cộng với tốc độ di chuyển chậm chạp của Apple vào mảng điện thoại 5G có thể mang đến không gian cho LG ở mảng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, lợi ích và cái giá phải trả đối với các công ty Hàn Quốc như Samsung không phải lúc nào cũng đơn giản. Samsung sẽ không dễ giành được 50% thị trường nước ngoài của Huawei và có khả năng sẽ mất doanh thu từ chính doanh thu bị mất của Huawei. Lý do là bởi Huawei là khách hàng chính mua màn hình Samsung, và công ty con Samsung Display có thể đối mặt với lợi nhuận giảm do những khó khăn của Huawei.
Hiện không rõ đơn đặt hàng sụt giảm với Huawei sẽ ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài như thế nào. Theo luật của Mỹ, các công ty nước ngoài là nhà cung cấp của Huawei sẽ không thể tiếp tục cung cấp cho công ty Trung Quốc những bộ phận có công nghệ được cấp phép của Mỹ. Trong khi Chính phủ Anh còn đang làm rõ vấn đề này, thì công ty ARM của Anh đã cắt đứt quan hệ với Huawei vì lý do này. Do đó, tùy thuộc vào những công nghệ Mỹ mà công ty Hàn Quốc được cấp phép sử dụng, họ có thể cũng không lấp đầy được khoảng trống của các công ty Mỹ bị cấm làm ăn với Huawei.
Tờ The Diplomat cho rằng, nếu Mỹ thực thi các hạn chế đối với những công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ, thì các công ty Hàn Quốc có thể phải chịu áp lực từ Trung Quốc khi chiến tranh công nghệ mở rộng. Để đáp trả việc Mỹ đưa Huawei vào "danh sách thực thể" (Entity List), Trung Quốc cũng đang liệt kê một "danh sách thực thể không đáng tin cậy", cho phép họ trừng phạt các công ty hoặc cá nhân sử dụng các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc vì lý do phi thị trường hoặc gây tổn hại lợi ích quốc gia.
Cũng không rõ Trung Quốc sẽ xác định như thế nào là "gây tổn hại lợi ích quốc gia", nhưng nếu khái niệm này bao gồm việc ráo riết chiếm lĩnh thị phần quốc tế của Huawei, thì có thể gây rắc rối cho Samsung và các công ty khác của Hàn Quốc.
Quan trọng hơn đối với các công ty Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix, quyết định của Mỹ về Huawei và về ZTE hồi năm ngoái, sẽ chỉ càng thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa chương trình "Made in China 2025". Huawei đã có một bộ phận bán dẫn riêng để cung cấp một số loại chip mà họ cần, và chính phủ Trung Quốc ủng hộ sự phát triển của các công ty có thể thay thế Samsung và SK Hynix trong lĩnh vực chip nhớ, vốn là mặt hàng xuất khẩu điện tử lớn nhất của Hàn Quốc.