Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump là "mang tính lịch sử" và là "một quyết định công bằng và dũng cảm". Ông Netanyahu cũng cam kết không thay đổi hiện trạng tại các khu thánh địa tại thành phố vốn mang ý nghĩa tôn giáo linh thiêng đối với cả người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Trong khi đó, lãnh đạo Palestines Mahmud Abbas gọi hành động của Washington là "tồi tệ và không thể chấp nhận được", và là một bước đi "phá hoại tất cả các nỗ lực hòa bình Trung Đông". Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, hiện đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ "mở ra cánh cửa địa ngục" đối với các lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Lập trường của Palestine nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Thủ tướng Liban Saad Hariri cam kết "tình đoàn kết ở mức độ cao nhất với người dân Palestine" đồng thời khẳng định ủng hộ "quyền thành lập một nhà nước độc lập của Palestines với Jerusalem là thủ đô". Ông Hariri nhấn mạnh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ đối mặt với sự phản đối của "toàn bộ cộng đồng Arab và đe dọa thổi bùng căng thẳng tại khu vực".
Jordan cũng lên án hành động của ông Trump. Người phát ngôn chính phủ Mohammed Momani gọi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ).
Từ châu Âu, Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ Chính phủ Anh không đồng tình với quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng, cho rằng bước đi này "không có lợi" cho các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với lập trường mới của Washington về vấn đề Jerusalem. Quan chức này cho rằng cần tôn trọng nguyện vọng của cả Israel và Palestine trong vấn đề này. Các bên cần tìm một giải pháp thông qua đối thoại cho vị thế của Jerusalem.