Cách đây 10 năm, ngày 20/3/2003, Mỹ dẫn đầu “liên minh ý chí” cùng với Anh phát động cuộc chiến xâm lược Irắc nhằm lật đổ chế độ cầm quyền của ông Saddam Hussein.
Mười năm trôi qua, Iraq vẫn chìm trong bất ổn chính trị. Nỗi ám ảnh cuộc chiến vẫn hiển hiện bởi lý do “chống sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt” này rốt cùng là một sai lầm, khiến Trung Đông thêm bất ổn và cũng không củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực này.
Chiến tranh đã qua mà hòa bình chưa tới
Sau 8 năm, 8 tháng, 3 tuần và 4 ngày, Mỹ cuối cùng cũng phải rút quân khỏi Irắc, bỏ lại sau lưng là một quốc gia vụn vỡ và kiệt quệ, một vùng đất không còn chiến tranh nhưng cũng chưa thấy hòa bình, hãng tin AP (Mỹ) nhận định. Việc lật đổ ông Saddam Hussein không chỉ phá tan chế độ cầm quyền mà còn hủy hoại các cơ chế luật pháp và an ninh trật tự, thúc đẩy sự nổi lên của lực lượng khủng bố al-Qaeda và châm ngòi cho sự bùng phát mâu thuẫn sắc tộc, giáo phái.
Gần 4.500 lính Mỹ đã bỏ mạng tại Iraq. Ảnh: Internet. |
Sau 10 năm, ổn định, hòa bình và dân chủ ở Iraq vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi những gì đang diễn ra ở đất nước này vẫn là xung đột và bạo lực. Irắc chưa bao giờ có được một nền an ninh trọn vẹn, dù là trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng hay sau khi Mỹ đã rút quân.
Ngay cả khi chính phủ Iraq đã có được những phương tiện để thực thi chủ quyền thì các vụ khủng bố liên cộng đồng, liên giáo phái vẫn diễn ra hàng ngày, nhiều và đẫm máu tới mức có thể coi đó là cuộc nội chiến. Xung đột cũng đã mở đường để tổ chức khủng bố al-Qaeda cắm rễ sâu hơn, rộng hơn, và tiến hành các vụ đánh bom liên hoàn, khiến Iraq lại càng bất ổn hơn.
Tại nhiều địa phương, nhất là thủ đô Baghdad, vẫn xảy ra liên tục các vụ đánh bom đẫm máu trong sự bất lực của giới chức an ninh. Vào cao điểm của tình trạng bạo lực năm 2006-2007, mỗi tháng có gần 3.000 người dân Iraq thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết. Trong khi đó, xung đột sắc tộc giữa ba cộng đồng người Shiite, người Sunni và người Kurd ngày càng trở nên sâu sắc.
Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, cộng đồng người Sunni quyết không chấp nhận bị mất hết quyền lực vào tay cộng đồng người Shiite và người Kurd. Vì thế, cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra và ngày càng nhuốm máu người dân vô tội.
Thừa nhận sai lầm, sao khó thế?
Thăm dò dư luận của hãng Gallup (Mỹ) công bố ngày 18/3/2013 cho thấy có 53% số người dân được hỏi cho rằng Mỹ đã sai lầm khi quyết định xâm lược Irắc. Tại thời điểm tháng 4/2008, con số này là 63%. Thế nhưng, tới nay, các nhà kiến tạo cuộc chiến, Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair, vẫn chưa chịu thừa nhận đã sai khi phát động cuộc chiến, có chăng chỉ là sự thừa nhận đã mắc một số sai lầm trong quá trình hoạch định cũng như điều hành chiến dịch.
Trong bài viết vừa đăng tải trên tờ “The Sun” (Anh), ông Tony Blair thừa nhận “đã phải trả giá đắt ở Iraq”, nhưng vẫn bảo lưu quan điểm khi đặt ra câu hỏi “các bạn hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không lật đổ Saddam Hussein?”.
Hầu như không có người dân Iraq nào không bị mất người thân. Ảnh: Internet |
Trong khi đó, giới chức Mỹ và giới nghiên cứu đều thừa nhận rằng cuộc chiến là một sai lầm đối với Mỹ, khi xét tới những gì Mỹ đạt được từ cuộc chiến này. "Nếu gạt tất cả những lời hùng biện sang một bên, chúng ta đã phạm sai lầm khi xâm lược Iraq" - ông James Dobbins, Giám đốc Trung tâm Chính sách Quốc phòng và An ninh Quốc tế của Viện RAND - cơ quan nghiên cứu tại Oasinhtơn có mối liên hệ gần gũi với chính phủ Mỹ - nói với hãng tin AFP.
Ông Hans Blix, người đứng đầu Cơ quan Thanh sát Vũ khí của LHQ tại Iraq (UNMOVIC) cho tới năm 2003, trong bài viết đăng tải trên trang tin của hãng CNN (Mỹ) cũng cho rằng Mỹ đã sai khi xâm lược Irắc bởi mục tiêu là loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng lại không có, xóa bỏ al-Qaeda nhưng nhóm khủng bố này không tồn tại ở đây cho tới khi cuộc chiến bắt đầu.
Ông Hans Blix cũng cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đã không tin vào báo cáo của UNMOVIC. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Donald Rumsfield phê vào báo cáo với lời lẽ bắt bẻ rằng “không có bằng chứng không phải là bằng chứng của sự không có”.
Vị thế nào cho Mỹ tại Trung Đông?
Dù cuộc chiến khiến gần 4.500 lính Mỹ tử trận, hơn 32.000 lính Mỹ bị thương, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD ngân sách, và khiến 134.000 người dân Iraq thiệt mạng nhưng đáng tiếc là hiện không có nhiều sự "tự vấn lương tâm" ở Oasinhtơn. Hãng tin AFP nhận định rằng 10 năm đã trôi qua kể từ khi chiến dịch mang tên "Đất nước Irắc tự do" nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông được phát động nhưng tới nay các nhà phân tích và giới ngoại giao vẫn đồng quan điểm rằng cuộc chiến Iraq không giúp cải thiện vị thế của Mỹ tại khu vực này.
Chuyên gia nghiên cứu Ramzy Mardini thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Iraq tại Beirut (Libăng) cho rằng kể cả khi một nền dân chủ thực sự được thiết lập tại Iraq thì cuộc chiến cũng không mang lại lợi ích chiến lược nào cho Mỹ. Thậm chí, sự sụp đổ của Saddam ngoài tạo ra lỗ hổng quyền lực tại Baghdad cũng tạo ra lỗ khoảng trống quyền lực trong khu vực, đẩy các quốc gia láng giềng vào một môi trường cạnh tranh an ninh khốc liệt, làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố không chỉ ở Irắc mà khắp các nước trong khu vực.
Một trong những mục tiêu của cuộc chiến là chuyển đổi Irắc thành một “căn cứ thân thiện”, làm bàn đạp cho quân đội Mỹ đối phó với Iran, thế nhưng rốt cùng cuộc chiến lại mang lại cho Tehran một đồng minh mới ở Baghdad. Ông James Dobbins, người cũng đã từng giữ nhiều cương vị tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng người Mỹ không nên tự lừa dối mình về kết quả hạn chế của cuộc chiến Iraq. Ông Dobbins nhận định: “Kỷ nguyên dân chủ là lời thanh minh cuối cùng về hành động xâm lược Iraq. Giờ đây Irắc chẳng phải đồng minh, mà cũng chẳng phải kẻ thù của Mỹ".
Lê Dương