Theo tờ New York Times (NYT) ngày 17/9, thông tin trên do các quan chức Mỹ và những nguồn tin khác được thông báo về chiến dịch này cung cấp.
Cụ thể, Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công Hezbollah bằng cách giấu chất nổ bên trong một lô hàng máy nhắn tin mới. Lô hàng này được sản xuất tại Đài Loan, được nhập khẩu vào Liban.
Theo các quan chức, những chiếc máy nhắn tin mà Hezbollah đặt mua từ công ty Gold Apollo ở Đài Loan đã bị can thiệp trước khi đến Liban. Phần lớn máy nhắn tin thuộc mẫu AP924 của công ty Gold Apollo, ba mẫu khác của Gold Apollo cũng có trong lô hàng.
Hai quan chức cho biết chất nổ, chỉ nặng từ 28 đến 56 gram, đã được gài bên cạnh pin của mỗi chiếc máy nhắn tin. Một công tắc cũng được gắn vào để có thể kích hoạt từ xa, nhằm kích nổ chất nổ.
Lúc 3 giờ 30 phút chiều 17/9 tại Liban, các máy nhắn tin nhận được một tin nhắn có vẻ như do lãnh đạo Hezbollah gửi và tin nhắn này đã kích hoạt chất nổ. Bộ trưởng Y tế Liban cho biết trên truyền thông nhà nước rằng ít nhất 9 người đã thiệt mạng và trên 2.800 người bị thương.
Các thiết bị này được lập trình để kêu bíp trong vài giây trước khi phát nổ.
Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ máy nhắn tin. Israel không đưa ra bình luận về vụ tấn công, cũng như không thừa nhận thực hiện.
Sau khi nghiên cứu đoạn video về các vụ nổ máy nhắn tin, các chuyên gia an ninh mạng độc lập nhận định rằng rõ ràng sức mạnh và tốc độ của các vụ nổ là do một loại chất nổ nào đó.
Khoảnh khắc túi xách của một người đàn ông nghi chứa máy nhắn tin phát nổ trong một siêu thị ở thủ đô Beirut của Liban vào ngày 17/9/2024 (Nguồn: Reuters):
Ông Mikko Hypponen, chuyên gia nghiên cứu tại công ty phần mềm WithSecure và cố vấn tội phạm mạng cho Europol, nói: “Những chiếc máy nhắn tin này có thể đã được chỉnh sửa theo cách nào đó để gây ra các vụ nổ như vậy. Kích thước và sức mạnh của vụ nổ cho thấy không chỉ đơn thuần là do pin”.
Bà Keren Elazari, một nhà phân tích an ninh mạng người Israel và là nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv, cho rằng các cuộc tấn công này đã nhắm vào điểm yếu nhất của Hezbollah.
Đầu năm nay, lãnh đạo Hezbollah là ông Hassan Nasrallah đã cấm nghiêm ngặt sử dụng điện thoại di động mà ông cho là ngày càng dễ bị Israel giám sát.
Bà Elazari phát biểu: “Cuộc tấn công này đã đánh vào gót chân Achilles của họ vì nó phá hủy một phương tiện liên lạc quan trọng. Chúng ta đã từng thấy những thiết bị như máy nhắn tin bị tấn công trước đây, nhưng chưa từng có cuộc tấn công nào tinh vi như thế này”.
Theo một số quan chức, hơn 3.000 máy nhắn tin đã được đặt mua từ công ty Gold Apollo. Hezbollah đã phân phối máy nhắn tin cho các thành viên trên khắp Liban, một số đã đến tay các đồng minh của Hezbollah ở Iran và Syria. Cuộc tấn công của Israel chỉ ảnh hưởng đến những máy nhắn tin đang bật và nhận tin nhắn.
Vẫn chưa rõ chính xác những chiếc máy nhắn tin được đặt mua vào ngày nào và khi nào đến Liban.
Sau vụ nổ, Hezbollah tuyên bố rằng Israel sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.
Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không liên quan đến các vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9 tại Liban, đồng thời bày tỏ Washington tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng dọc biên giới Israel - Liban.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau vụ việc trên, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhận thấy những diễn biến mới nhất ở Liban cực kỳ đáng lo ngại do bầu không khí vốn đã căng thẳng. Ông cũng cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời lấy làm tiếc về thương vong của dân thường.
Về phần mình, cho dù chưa lên tiếng chính thức về loạt vụ nổ máy nhắn tin nêu trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã họp đánh giá tình hình an ninh sau vụ việc.
Theo truyền thông Israel, nội dung cuộc họp trên nhằm tập trung xây dựng các kịch bản nước này có thể phản ứng trong trường hợp leo thang căng thẳng.
Trước đó ít giờ, chính quyền các địa phương ở miền Bắc Israel đã yêu cầu người dân ở gần nơi trú ẩn và gia cố các phòng an toàn, viện dẫn lo ngại về khả năng leo thang.