Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, vào ngày 23/7, hai máy bay ném bom Tu-95MS Nga và 2 chiếc Xian H-6 của quân đội Trung Quốc đã đi vào KADIZ.
Vụ việc liên quan đến KADIZ xảy ra đúng thời điểm có nhiều căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 cũng như bất đồng thương mại giữa hai quốc gia.
Ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc ba vật liệu được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại và vi mạch. Trước đó, xảy ra tranh cãi liên quan đến việc Nhật Bản ép buộc người Hàn Quốc lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản đền bù cho nạn nhân lao động Hàn Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ hai nhưng Nhật Bản phủ nhận phán quyết này.
Những diễn biến trên được cho có thể gây tác động đến quan hệ hợp tác quân sự ba bên giữa Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản. Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thậm chí có thể gây sứt mẻ mạng lưới đồng minh tại châu Á mà Mỹ luôn đánh giá là chìa khóa cho ổn định khu vực.
Sự kiện cũng xảy ra trùng thời điểm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đến thăm Seoul, tại đây ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác an ninh 3 bên.
Giáo sư chính trị quốc tế Nam Chang-hee tại Đại học Inha (Hàn Quốc) nhận định: “Có khả năng việc tiếp cận KADIZ được chủ đích thực hiện nhằm thử nghiệm tình trạng hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản”.
Ông Nam Chang-hee bổ sung: “Trung Quốc và Nga có thể tìm cách để xem xét cách Hàn Quốc cùng Nhật Bản phản ứng. Tuy nhiên chưa rõ liệu Trung Quốc và Nga có lên thời gian để chuyến bay này trùng hợp với thời điểm chuyến thăm Seoul của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton hay không”.
Vùng nhận diện phòng không không trùng với không phận của Hàn Quốc tuy nhiên một máy bay chiến đấu khi tiếp cận khu vực này cần đưa ra thông báo trước theo quy định quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên chiến đấu cơ Trung Quốc cùng Nga tiếp cận KADIZ. Các nhà phân tích cho rằng trong những lần tiếp cận trước, phía Nga và Trung Quốc muốn thu thập thông tin về tần số radar quân sự của Hàn Quốc.
Một số nhà quan sát còn nhận định rằng việc máy bay quân sự Nga và Trung Quốc tiếp cận KADIZ còn liên quan đến sáng kiến của Mỹ về hình thành liên minh quân sự quốc tế bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Vịnh Hormuz ngoài khơi Iran. Cả Nga và Trung Quốc đều phản đối động thái của Mỹ trong vùng biển này.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định việc máy bay ném bom của quốc gia này và chiến đấu cơ Trung Quốc cùng tuần tra ở Thái Bình Dương đã tuân theo quy định quốc tế.
Về việc Hàn Quốc tuyên bố các máy bay ném bom vi phạm KADIZ, Nga phản hồi rằng trong lần cất cánh của các máy bay ném bom ngày 23/7, không có không phận của quốc gia thứ ba nào bị xâm phạm. Trung Quốc trong khi đó “nhắc nhở” Hàn Quốc rằng KADIZ không nằm trong không phận nước này do vậy chưa đủ thẩm quyền để hạn chế chiến đấu cơ quốc gia khác.