Cụ thể, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ mức 3,3% xuống 3,2%. Trong một tuyên bố, OECD nhấn mạnh các chính phủ cần hành động khẩn cấp để phục hồi tăng trưởng. Tranh chấp thương mại cần được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế và cải thiện hệ thống dựa trên luật định quốc tế. Theo OECD, các nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số và kỹ năng nhằm đáp ứng các thách thức trong tương lai. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OCED cho rằng chính sách cơ cấu và tài chính cần được kết hợp để thúc đẩy hoạt động.
OECD cho rằng còn nhiều điều chưa chắc chắn về thời gian áp thuế và tương lai mối quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất, OECD không tính những rủi ro này vào tăng trưởng kinh tế. Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 ra lệnh áp thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia. Để đáp trả, Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6 tới.
Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng năm nay, song OECD cho rằng tăng trưởng toàn cầu trong năm tới sẽ đạt mức 3,4%. OECD dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới lần lượt ở mức 2,8% và 2,3%. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo hạ 2 năm liên tiếp xuống còn 6,2% và 6%. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực Eurozone được dự báo giữ nguyên mức 1,2% trong năm nay.