Tỉ lệ lây nhiễm gia tăng do biến thể Omicron đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và của Mỹ chậm lại. Đà suy yếu đặc biệt rõ nét tại Mỹ, nơi ngành dịch vụ và khu vực chế tạo ghi nhận suy giảm tăng trưởng. Đây là nhận định được đưa ra dựa theo kết quả khảo sát do công ty chuyên về nghiên cứu dữ liệu thị trường HIS Markit thực hiện trong những tuần đầu tháng 1 và mới được công bố ngày 24/1.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson tại IHS Markit, bùng phát số ca nhiễm COVID-19 mới do Omicron đã đẩy kinh tế Mỹ vào trạng thái gần như “bất động” trong quãng thời gian đầu năm mới. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) theo thang IHS Markit – bộ chỉ số đo lường cả khu vực sản xuất và dịch vụ, đã rơi xuống ngưỡng 50,8 điểm trong tháng 1, giảm mạnh so với mốc 57 điểm trong tháng 12/2021 và là mốc thấp nhất trong 18 tháng trở lại đây.
Lây lan mạnh của biến thể mới Omicron làm số ca nhiễm tăng vọt trên toàn cầu, đẩy người tiêu dùng ngày một lo ngại, dè chừng đối với các hoạt động có sự tiếp xúc gần, trong khi quy định về cách ly khiến lực lượng lao động bị bào mòn, thiếu hụt. Ngành dịch vụ và sản xuất tại Mỹ chịu ảnh hưởng từ cả đứt gãy chuỗi cung kéo dài, lẫn thiếu lao động do nhiễm COVID-19.
Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu cao cấp tại Capital Economics, nhận định tác động chủ yếu mà làn sóng COVID-19 Omicron gây ra là nguồn lực lao động bị rút đi. Đây là điểm khác biệt lớn so với các làn sóng trước đây, khi chính phủ các nước trong thời gian đó áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, từ đó làm giảm sản lượng trong sản xuất. “Chúng tôi cho rằng tác động tiêu cực về kinh tế [mà Omicron gây ra] là ngắn hạn và sẽ mờ dần đi trong vài tháng tới”, ông MacAdam nói.
Ngược lại, cầu tiêu dùng của khách hàng vẫn mạnh đối với các ngành dịch vụ. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong ngành sẽ sớm phục hồi mạnh một khi làn sóng lây nhiễm qua đỉnh. Lạm phát giá đầu vào chậm lại, phản ánh thực tế căng thẳng chuỗi cung có thể đang dịu đi, dù biến thể mới có thể sẽ đưa đến các quy định phong tỏa ở một số trung tâm chế tạo chủ chốt tại châu Á.
Ở nhiều khu vực khác ngoài Mỹ, Omicron gây tác động mạnh đến ngành dịch vụ, nhưng hầu như không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực sản xuất, chế tạo, bất chấp tình trạng thiếu hụt nhân công. Chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) giảm nhẹ xuống còn 52,4 điểm so với 53,3 điểm của tháng 12/2021. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ diễn ra trong ngành dịch vụ. Sản lượng chế tạo ở châu Âu vẫn tăng mạnh, với mức tăng nhanh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Kết quả khảo sát cho thấy ảnh hưởng của biến thể Omicron đối với châu Âu nhẹ hơn nhiều so với các đợt bùng phát dịch trước đây. Nguyên nhân có thể là do độ che phủ của vaccine cao, người nhiễm chuyển nặng phải nhập viện có xu hướng giảm so với lây nhiễm do các biến thể trước gây ra. Nhờ đó, chính phủ các nước áp quy định ngăn chặn dịch bệnh theo hướng lỏng hơn.
Giới phân tích nhận định biến thể Omicron có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế ở eurozone trong vài tháng đầu năm, nhưng mức độ không lớn. “Sau khi suy giảm tăng trưởng, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế sẽ sớm quay trở lại. Nhìn chung, Omicron không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tăng trưởng của năm 2022”, Rory Fennessy, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nêu quan điểm.