Động thái này diễn ra trong bối cảnh tàu chiến Mỹ vừa tiến hành nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông, đi vào khu vực 12 hải lý quanh “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, cụ thể là ở bãi cạn Xu Bi (Subi) và Vành Khăn.
Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Hai ông Obama và Tập Cận Bình đều có kế hoạch dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 15-16/11/2015; liền sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Manila, Philippines. Phía Mỹ sẽ cố gắng thu xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề một trong hai sự kiện này. Tổng thống Mỹ thích gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Manila hơn là tại Hội nghị G-20, bởi tại Thổ Nhĩ Kỳ ông chủ Nhà Trắng muốn dồn trọng tâm vào cuộc tiếp xúc với đồng cấp người Nga Vladimir Putin để thảo luận về khủng hoảng Ukraine và Syria.
Cuối tháng 9 vừa qua, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Nhà Trắng. Trong các phiên tiếp xúc, Washington từng chủ động đề nghị Bắc Kinh ngừng ngay hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, không tiến hành các hoạt động quân sự hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự “hưởng ứng” tích cực từ Trung Quốc. Đó là một phần nguyên nhân buộc ông Obama quyết định điều tàu chiến có sự trợ giúp của máy bay trinh sát, máy bay săn ngầm tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh bãi cạn Xu Bi và Vành Khăn - hai trong bảy điểm mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép, biến thành “đảo nhân tạo” ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chuyến tuần tra “bảo đảm an ninh hàng hải” mà tàu khu trục USS Lessen thực hiện hôm 27/10 đã khiến Trung Quốc “nổi đóa”. Bắc Kinh cảnh báo Washington cần thận trọng trong lời nói và hành động liên quan đến Biển Đông, không làm tình hình thêm phức tạp. Vụ việc diễn ra ngay tại thời điểm Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành kì họp thứ 5 khóa 18, bàn sâu về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, được xem là phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc trong tháng 12 tới. Ông Harris là người giữ vai trò “can dự trực tiếp” trong vụ điều tàu USS Lessen vừa qua và cá nhân ông xem chiến dịch tuần tra này đơn giản chỉ là việc thi hành tự do hàng hải. Mỹ cũng sẽ tìm cách để ngỏ các kênh đối thoại quân sự, chính phủ với Bắc Kinh khi Trung Quốc tìm cách gây sức ép trong vấn đề “chủ quyền” ở Biển Đông.
Thế nhưng ngay cả khi cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình có thành hiện thực thì việc Trung Quốc chấp thuận yêu cầu của Mỹ (về đóng băng xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo) dường như là điều không thể. Từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington đến cuộc thảo luận bên lề APEC mới chỉ khoảng 2 tháng. Thế nhưng trong quãng thời gian đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây “đảo nhân tạo” và bị cho là đứng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Mỹ.
Điểm trọng tâm trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo (nếu có) vì thế có thể chỉ bó gọn trong việc xây dựng một khung thỏa thuận ngăn ngừa các va chạm “không mong muốn” có thể xảy ra giữa lực lượng quân sự Mỹ, Trung Quốc ở Biển Đông. Tại thời điểm hiện nay, rất khó để Bắc Kinh hoặc Washington chủ động “xuống thang đơn phương” trong vấn đề “đảo nhân tạo”.