Mỹ phái tàu tuần tra “đảo nhân tạo” vì hết kiên nhẫn với Trung Quốc

Sáng nay 27/10, một tàu khu trục của Mỹ đã tiến vào vùng 12 hải lý quanh "đảo nhân tạo" mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên bãi đá Subi (quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam), tờ USA Today dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay.


Trước đó, hãng tin CNN dẫn nguồn tin quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Lassen được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ tiến qua vùng biển quanh "đảo nhân tạo" vào buổi tối ngày hôm nay. Cùng thực hiện nhiệm vụ tuần tra với tàu USS Lassen còn có máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát “hoạt động trên không phận quốc tế” nhằm sẵn sàng xử lý những sự cố có thể xảy ra. Theo CNN, quyết định được Hội đồng An ninh Quốc gia thông qua và đích thân Tổng thống Barack Obama phê duyệt. Tàu chiến Mỹ sẽ tuần tra quanh đá Xu Bi, Vành Khăn – hai trong tổng số 7 đảo, đá ở mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu khu trục USS Lassen. Ảnh: AP

Phía Trung Quốc không được thông báo trước về kế hoạch này. “Ý tưởng (tuần tra) mà chúng tôi gọi là các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải được thực hiện thường xuyên. Là một cựu sĩ quan hải quân, tôi có thể nói với các bạn rằng bản thân tôi đã từng thực hiện nhiệm vụ đó nhiều, rất nhiều lần. Đó là một trong những lý do để chúng ta lập ra Hải quân… có khả năng xác lập ảnh hưởng và bảo vệ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Điểm then chốt nhất của tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế chính là ở chỗ đó là vùng biển quốc tế và ta không cần phải tham vấn bất kì ai về điều đó”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby phát biểu trước báo giới. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 27/10 tuyên bố, Trung Quốc vẫn đang “xác minh” thông tin tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh “đảo nhân tạo” ở Biển Đông. “Nếu đó là sự thực, thì tôi khuyên người Mỹ nên nghĩ lại trước khi làm; không hành động mù quáng hay tìm cách gây phức tạp”, ông Vương Nghị bày tỏ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa nói rõ sẽ hành động đáp trả như thế nào trước việc làm này của Washington.

Bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc?

Một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, hoạt động tuần tra quanh “đảo nhân tạo” ngày 27/10 không phải là “một lần rồi xong”, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu tới các vùng biền mà Bắc Kinh cố tìm cách tuyên bố chủ quyền. “Đây là một nguyên tắc rất quan trọng, nhất là ở Biển Đông, vì vùng biển này là có các tuyến giao thông huyết mạnh chuyên chở lượng hàng hóa lên tới hàng nghìn tỉ USD/năm”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói hôm 26/10.

Trước đó, Mỹ luôn tuyên bố Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cương quyết bảo quyền tự do đi lại của tàu bè Mỹ trên các tuyến hàng hải ở vùng biển này, coi đó là cách không công nhận tuyên bố chủ quyền đối với các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa. Thế nhưng, bất chấp việc giới chức ngoại giao, quân sự Mỹ nhiều lần lớn tiếng chỉ trích Bắc Kinh, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa chịu thông qua kế hoạch phái tàu chiến tuần tra quanh “đảo nhân tạo”. Nhiều người tin rằng, Nhà Trắng vẫn muốn chờ đợi kết quả chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 vừa qua của ông Tập Cận Bình để “thẩm định” quan điểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Với hy vọng có thể “kéo” nhà lãnh đạo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận thẳng thắn, chân tình, ông chủ Nhà Trắng đã tổ chức một bữa tiệc không chính thức tối ngày 24/9, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, cùng tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Đó là cuộc gặp kín, chỉ có hai nhà lãnh đạo và một vài cố vấn của hai bên. Giới truyền thông nói rằng, hoạt động xây "đảo nhân tạo" là một chủ đề then chốt mà ông Obama muốn đề cập và Tổng thống Mỹ đã bỏ nhiều thời gian để thúc giục ông Tập Cận Bình chấm dứt xây các công trình quân sự trên "đảo nhân tạo". Thế nhưng, ông chủ Nhà Trắng chẳng thu được kết quả gì: Chủ tịch Trung Quốc né tránh thảo luận về vấn đề này - nhiều nguồn tin trong chính quyền Mỹ tiết lộ.

Ngay sau cuộc gặp, ông Obama tức tốc ra lệnh cho phụ tá thân cận kết nối với đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Tại đó, ông Harris được lệnh thúc đẩy một “chiến dịch” ở Biển Đông. Kế hoạch này bao gồm việc phái tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh “đảo nhân tạo”. Đô đốc Mỹ muốn hành động ngay, nhưng ông Obama cho “tạm dừng”, vì hy vọng cuộc gặp mặt đối mặt (ngày 25/9) sẽ khiến việc làm này trở nên không cần thiết.

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ nhận ra rằng thái độ “mềm mỏng” của Washington không khiến Bắc Kinh chuyển động theo xu hướng hợp tác. Việc tuần tra lần này sẽ là điểm bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nhất là vấn đề Biển Đông - Edward Luttwak, một nhà chiến lược quân sự nổi tiếng người Mỹ nhận định.
Hoài Thanh (Theo CNN, Nikkei, Reuters)
Tàu Mỹ đã vào vùng 12 hải lý quanh đảo trái phép Trung Quốc
Tàu Mỹ đã vào vùng 12 hải lý quanh đảo trái phép Trung Quốc

Hãng tin AFP của Pháp hôm nay, 27/10, dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý (22 km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN