Theo tờ Guardian, ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lòng kính trọng đối với Sa hoàng Peter Đại đế (hay Pyotr Đại đế) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 350 của ông. Nhà lãnh đạo Nga còn so sánh tương quan giữa sứ mệnh lịch sử của hai người nhằm giành lại các vùng đất của Nga.
“Peter Đại đế tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Có vẻ ông ấy đã chiến tranh với Thuỵ Điển, lấy đi thứ gì đó của họ. Nhưng ông ấy không lấy thứ gì, mà là lấy lại [những gì của Nga]”, ông Putin nói sau khi đến thăm một triển lãm về vị Sa hoàng nổi tiếng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang ngày thứ 106, ông Putin so sánh chiến dịch của Peter Đại đế với những hành động quân sự của nước Nga hiện tại.
“Rõ ràng chúng ta cũng phải lấy lại [những gì của Nga] và củng cố [đất nước]. Và nếu chúng ta căn cứ vào thực tế rằng những giá trị cơ bản đó tạo nên nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta, ta chắc chắc sẽ thành công khi giải quyết những nhiệm vụ mà chúng ta đang đối mặt”, Tổng thống Nga nói.
Ông Putin, hiện ở năm thứ 23 cầm quyền, đã nhiều lần biện minh cho các hành động quân sự của Nga ở Ukraine bằng cách đưa ra quan điểm lịch sử khẳng định Ukraine không có bản sắc quốc gia thực sự hay truyền thống một nhà nước.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Putin tới triển lãm, truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng một bộ phim tài liệu ca ngợi Peter Đại đế là một nhà lãnh đạo quân sự cứng rắn, đã mở rộng đáng kể lãnh thổ Nga trước Thụy Điển và Đế chế Ottoman nhờ vào sức mạnh quân đội và hải quân hiện đại mà ông đã xây dựng.
Peter Đại đế, vị Sa hoàng được cả những người theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ ngưỡng mộ, đã cai trị 43 năm và đặt tên của mình cho thủ đô thời đó là St Petersburg, vốn được ông xây dựng trên vùng đất đã chinh phục từ Thụy Điển.
Đại chiến phương Bắc, hay Đại chiến Bắc Âu là tên các sử gia gọi cuộc chiến từ năm 1700 đến năm 1721 giữa Thụy Điển với liên minh của Nga, Đan Mạch, Sachsen (Đức) và Ba Lan; từ năm 1715 có thêm vương quốc Phổ và Hannover (Đức). Hai nước tranh chấp chính với nhau là Nga và Thụy Điển.
Mầm mống của cuộc chiến phát xuất từ những lý do lịch sử và kinh tế cũng như tham vọng của Nga hoàng Peter Đại đế (1672-1725) muốn mở đường biển cho nước Nga. Nước Nga đã đối đầu với Thụy Điển trong nhiều thế kỷ để tranh giành vùng ven bờ vịnh Phần Lan. Kết quả cuối cùng là Đế quốc Thụy Điển chiếm được nhiều vùng đất. Tuy nhiên, trong ý nghĩ của Peter Đại đế, đó là những lãnh thổ của Nga, và nước Nga đang chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế khi những vùng đất này nằm trong tay nước ngoài. Hàng hóa của nước Nga tuôn ra các cửa khẩu do Thuỵ Điển kiểm soát bị đánh thuế nặng nề, trong khi Nga chỉ có duy nhất cảng Arkhangelsk, hoạt động 6 tháng mỗi năm.
Trong cuộc Đại chiến phương Bắc, suốt 20 năm, Nga và Thuỵ Điển liên tục giao tranh với nhau. Cuối cùng vua Thụy Điển Karl XII bị giết tại Na Uy; Nga đã bắt buộc Thụy Điển phải ký hòa ước để chính thức chấm dứt chiến tranh.
Trong những năm gần đây, mối quan tâm của ông Putin đối với lịch sử Nga ngày càng lớn hơn trong những lần ông xuất hiện trước công chúng. Vào tháng 4/2020, khi Nga bước vào đợt ngăn chặn làn sóng COVID-19 đầu tiên, ông đã khiến một số người ngạc nhiên khi so sánh đại dịch với các cuộc xâm lược của người du mục Turkic vào thế kỷ 9 thời Trung cổ trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Vào tháng 7/2021, Điện Kremlin công bố một bài luận dài gần 7.000 từ của ông Putin, có tựa đề “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”, trong đó ông cho rằng Nga và Ukraine là một quốc gia bị chia rẽ. Điều này đặt nền tảng cho việc ông triển khai quân đội tới Ukraine vào tháng 2. Moskva tuyên bố họ đưa quân vào Ukraine để “phi quân sự hoá” và “phi phát xít hoá” nước láng giềng, một tuyên bố mà Kiev cho là vô căn cứ.