Theo trang The Guardian (Anh), kế hoạch trên do ông Keith Kellogg và Fred Fleitz, hai vị quan chức từng là tham mưu trưởng hội đồng an ninh quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống 2017 - 2021, soạn ra. Kế hoạch nêu rõ sẽ có lệnh ngừng bắn dựa trên các ranh giới chiến đấu đang chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Trung tướng đã nghỉ hưu Kellogg, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, đồng thời cho biết Mỹ sẽ cảnh báo Moskva rằng bất kỳ sự từ chối đàm phán nào cũng sẽ dẫn đến việc Washington tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Ông Fleitz nói rằng ông đã trình bày chiến lược trên với ông Trump và cựu tổng thống đã phản hồi tích cực.
“Tôi không khẳng định ông Trump đồng ý với kế hoạch này hoặc đồng ý với từng chi tiết trong đó, nhưng chúng tôi rất vui khi đã nhận được phản hồi về kế hoạch mà chúng tôi đã soạn ra”, ông nói.
Chiến lược do ông Kellogg và ông Fleitz vạch ra là kế hoạch chi tiết nhất từ trước đến nay của các cộng sự của ông Trump. Ông đã nhiều lần tuyên bố có thể nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine nếu ông đánh bại đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, dù ông chưa nếu chi tiết cụ thể.
Đề xuất này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ các đồng minh châu Âu và trong chính đảng Cộng hòa của của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Steven Cheung, người phát ngôn của ông Trump, cho biết chỉ những tuyên bố do ông Trump hoặc các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch của ông đưa ra mới được coi là chính thức.
Về phần mình, Điện Kremlin cho rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào trong tương lai cũng đều phải tính đến thực tế thực địa. Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán.
“Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Nga đã và luôn cởi mở với các cuộc đàm phán, có tính đến tình hình thực tế trên thực địa”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.