Theo đài Sputnik, ông Zelensky nói với các phóng viên tại Kiev rằng sẽ có ba cuộc họp sơ bộ được tổ chức trước hội nghị này. Cuộc họp đầu tiên, dự kiến được triệu tập vào cuối mùa hè tại Qatar, tập trung vào an ninh năng lượng. Cuộc họp thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 8 tại Thổ Nhĩ Kỳ, dành riêng cho vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đen. Tổng thống Ukraine cho biết cuộc họp thứ ba, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 tại Canada, sẽ là một diễn đàn để thảo luận về trao đổi tù nhân với Nga.
“Tôi đặt ra nhiệm vụ là vào tháng 11, sẽ có một kế hoạch được vạch ra. Mọi thứ sẽ sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh thứ 2. Chúng tôi sẽ sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai sớm nhất có thể và tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này”, ông Zelensky nói.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ đã tham vấn với Ukraine về việc mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai và sẽ ủng hộ quyết định của Kiev về vấn đề này.
“Đó là điều chúng tôi đã thảo luận với Ukraine, song như chúng tôi đã nói trước đó, bất kỳ quyết định nào liên quan đến đàm phán ngoại giao đều là quyết định mà Kiev phải đưa ra. Ukraine phải đưa ra quyết định sẽ tiến hành đàm phán ngoại giao khi nào, như thế nào và theo hình thức nào. Là đối tác và là nước ủng hộ họ, chúng tôi sẽ ủng hộ họ nếu đó là con đường họ chọn”, ông Miller tuyên bố.
Trước đó, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine kéo dài hai ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ đã kết thúc với kết quả không như mong đợi. Hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã cùng nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng ven hồ gần thành phố Lucerne để kêu gọi ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Zelensky vạch ra lần đầu vào cuối năm 2022.
Nga không nhận được lời mời tham dự hội nghị này. Giới chức Nga tuyên bố họ sẽ không tham dự các sự kiện này trong mọi trường hợp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố Moskva không chấp nhận tối hậu thư và sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh mới về Ukraine.
“Chúng tôi biết ý định của Kiev và các cố vấn phương Tây là 'tự phục hồi' sau Hội nghị thượng đỉnh hòa bình thất bại ở Burgenstock (Thụy Sĩ) hồi giữa tháng 6 năm nay và đang cố gắng tổ chức một sự kiện tương tự”, đài Sputnik dẫn tuyên bố của ông Galuzin.
Ông Galuzin cho biết Nga đã được thông tin rằng Kiev hy vọng đạt được tối hậu thư từ công thức hoà bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời cũng nhận thấy sự coi thường có chủ ý đối với các sáng kiến khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Chúng tôi không chấp nhận những tối hậu thư đó và sẽ không tham gia vào những 'hội nghị thượng đỉnh' như vậy”, ông Galuzin nói.
Trung Quốc cũng đã từ chối tham dự hội nghị hồi tháng 6 và một số quốc gia có ảnh hưởng bên ngoài phương Tây từ chối ký vào tuyên bố chung - bao gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Saudi Arabia. Iraq và Jordan đã yêu cầu rút chữ ký ngay ngày hôm sau.