Theo dữ liệu được OPEC công bố ngày 14/6, tổng sản lượng của 13 nước thành viên OPEC giảm 176.000 thùng/ngày trong tháng trước, xuống còn mức trung bình 28,5 triệu thùng/ngày.
Tại Libya, các cuộc biểu tình khiến một số cơ sở khai thác dầu, lọc dầu lớn buộc phải đóng cửa, làm sản lượng khai thác giảm 186.000 thùng/ngày. Sản lượng tại Nigeria, Iraq cũng sụt giảm, lần lượt ở mức 45.000 thùng/ngày và 21.000 thùng/ngày. Mức tăng sản lượng khiêm tốn của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait không đủ bù cho mức thiếu hụt này.
Suy giảm sản lượng là tín hiệu cho thấy OPEC sẽ phải chật vật trong kế hoạch tăng nguồn cung gia thị trường, giúp giảm sức nóng của dầu thô, mặt hàng tăng giá mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukriane.
Ngày 2/6, OPEC và các đối tác (gọi tắt là OPEC+) đã thông báo kế hoạch tăng sản lượng lên mức 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới, nhằm hạ nhiệt giá dầu. Nhưng giới phân tích thị trường ngay lập tức nghi ngờ về tính khả thi của quyết định này.
Nhiều thành viên trong OPEC hiện đang khai thác ở mức công suất tối đa, chỉ một số ít các nước như Saudi Arabia hay UAE là còn có sản lượng tiềm năng dư thừa, đủ điều kiện để tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Những nhà sản xuất khác thậm chí còn không duy trì được mức sản lượng gia tăng theo hạn ngạch (quota) được OPEC cấp, do hạ tầng khai thác xuống cấp.