Các đợt mưa gió mùa hằng năm rất cần thiết cho việc tưới tiêu và bổ sung nước cho các hồ và đập trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng mặt trái cũng lại gây ra thiệt hại cho người dân. Trong ngày 24/8, mưa lớn tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi tại Pakistan, khiến trên 10 người, trong đó có 9 trẻ em, thiệt mạng trong vòng 24 giờ qua.
Bộ trưởng Sherry Rehman cho biết các nhà chức trách sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sau khi hoàn tất đánh giá về mức độ thiệt hại. Bà Sherry Rehman nhận định với quy mô của đợt lũ lụt hiện nay, Pakistan không thể đối phó với thảm họa khí hậu nghiêm trọng này.
Theo Chỉ số khí hậu toàn cầu do tổ chức phi chính phủ Germanwatch thực hiện, Pakistan đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia bị coi là dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Hồi đầu năm nay, nhiều nơi tại Pakistan còn hứng chịu đợt nắng nóng, đặc biệt thành phố Jacobabad, tỉnh Sindh đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 51 độ C. Tuy nhiên, giờ đây, thành phố này lại phải đương đầu với lũ lụt, khiến nhiều ngôi nhà bị chìm trong biển nước và hệ thống giao thông hư hại nặng nề.
Ông Zaheer Ahmad Babar, một quan chức cấp cao của văn phòng khí tượng, cho biết trận mưa lũ năm nay được đánh giá là lớn nhất kể từ năm 2010. Năm đó, trên 2.000 người thiệt mạng và trên 2 triệu người phải di dời do mưa lũ lụt bao phủ gần 20% diện tích cả nước.
Ông Zaheer cho biết lượng mưa ở tỉnh Balochistan ước tính cao hơn 430% so với mức bình thường, trong khi tại tỉnh Sindh là gần 500%. Riêng thị trấn Padidan ở Sindh đã chứng kiến lượng mưa lên tới hơn 1m kể từ đầu tháng 8 đến nay.
Thống kê của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Pakistan cho thấy mưa lũ đã phá hủy gần 125.000 ngôi nhà, gây hư hại cho 288.000 ngôi nhà khác. Gần 3.000 km đường bị hư hỏng nặng. Khoảng 700.000 gia súc ở Sindh và Balochistan bị chết trong khi gần 809.000 ha đất nông nghiệp bị phá hủy.